Bảo Đại - Nỗi oan của ông vua ‘tay sai’

Bảo Đại - Nỗi oan của ông vua ‘tay sai’

Nguyễn Thị Thu Thảo

Nguyễn Thị Thu Thảo

Thứ 4, 31/08/2016 09:59

“Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về/ Nguyễn về để đóng vai hề tay sai…”

Đó là những câu vè từng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian khi Bảo Đại trở lại Việt Nam với vai trò Quốc trưởng. Không có năng lực để gây dựng lại vương triều, cũng không bằng lòng theo Việt Minh… nhưng phải chăng hậu thế đã đánh giá quá khắt khe về ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn?

Tin cũ - Bảo Đại - Nỗi oan của ông vua ‘tay sai’

Vào tháng 3/1946, với tư cách cố vấn tham dự phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh, Trung Quốc, Bảo Đại đã không về nước mà đến Côn Minh rồi qua Hồng Kông, chấp nhận sống lưu vong. Bức ảnh được chụp vào tháng 6/1948, tại căn hộ riêng của ông ở Hồng Kông. Ảnh: Life.

Nhắc đến vị vua cuối cùng của nền phong kiến Việt Nam, người ta thường nhận định: ông Hoàng Bảo Đại là người hào hoa, lịch lãm, giỏi đủ thứ tiêu khiển Tây phương, thứ duy nhất ông không biết ấy là… việc làm vua. Nhưng liệu có thực thế chăng?

Kế vị khi mới ở tuổi 12, ngai vàng của Bảo Đại bị đặt vào một thế cuộc quá rối ren: Nền thống trị thực dân Pháp đã thiết lập cả nửa thế kỷ không cho đức vua một chút thực quyền, những mâu thuẫn chồng chéo tồn tại trong xã hội Việt Nam khiến lòng dân oán thán, trong khi phong trào cách mạng vô sản bắt đầu nhen nhóm…

Nhiều nhà sử học lấy quá trình du học, sự tiếp thu văn hóa Âu Châu của đức Bảo Đại ra làm nguyên nhân giải thích và quy kết ông là người có lối sống xa hoa, trụy lạc. Nhắc đến Bảo Đại, người ta nhớ nhiều đến những canh bạc đế vương, nhớ đến những cuộc tình mướt mải, triền miên… mà vô tình quên đi những động thái tích cực của ông khi đang trị vì.

Ngay khi về nước, vua Bảo Đại đã ra cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính. Ông đã cho bỏ một số phong tục mà các vua nhà Nguyễn trước đã bày ra như thần dân trong nước không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn vua khi lễ giá tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy.

Ngày 8/4/1932, Bảo Đại đã ban hành một đạo dụ cải tổ nội các, quyết định tự mình chấp chính và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính là Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn nhằm thay thế các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực như Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàm, Phạm Liệu, Vương Tứ Đại. Ông còn thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp, cho phép Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ…

Mặc dù những cải cách này thực chất không đem lại kết quả đáng kể gì nhưng nó cũng phần nào thể hiện được mong muốn canh tân đất nước của nhà vua trẻ. Cũng từ đây, vị vua nhà Nguyễn nhận ra vai trò thực sự của mình trong cuộc cờ của bè lũ thực dân. Không muốn làm tay sai cho kẻ thù, Bảo Đại lựa chọn cách tránh xa việc triều chính, tìm vui trong những thú tiêu khiển của cá nhân mình. Trong thế kìm kẹp ấy, ông chỉ có thể chọn: hoặc làm một ông vua “bù nhìn”, hoặc làm một ông vua “tay sai, bán nước” mà thôi.

Tin cũ - Bảo Đại - Nỗi oan của ông vua ‘tay sai’ (Hình 2).

Bảo Đại bắt tay với chú chó của mình ở Hồng Kông. Ảnh: Life.

Thiên hạ đã gắt gao phán xét nhất cử nhất động của ông vua nhà Nguyễn. Thậm chí, cuộc hôn nhân của Bảo Đại với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan cũng bị nghi ngờ là một sự sắp đặt, bởi bà Lan là người Công giáo và mang quốc tịch Pháp. Sau khi kết hôn, bà lập tức được tấn phong làm Nam Phương hoàng hậu. Đây là một việc làm phá lệ vì từ khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến thời vua Khải Định, các vợ vua chỉ được phong tước Hoàng phi, sau khi mất mới được truy phong Hoàng hậu. Bảo Đại là vị vua đầu tiên bỏ chế độ cung tần, thứ phi.

Tin cũ - Bảo Đại - Nỗi oan của ông vua ‘tay sai’ (Hình 3).

Chân dung Nam Phương hoàng hậu trên con tem phát hành năm 1952.

Để “biện minh” cho mối tình của mình, cựu hoàng Bảo Đại có viết những dòng hồi ký trong cuốn “Con Rồng Annam” rằng ông yêu và say mê Thị Lan thật sự nên đã bất chấp sự phản đối của hoàng tộc, rằng cuộc hôn nhân của hai người không phải là một sự sắp đặt chính trị bởi người Pháp. Dù mối tình ấy là tình cờ hay cố ý thì họ cũng đã tiến đến hôn nhân và có với nhau 5 mặt con, kết quả ấy là minh chứng cho sự “nguyện ý” của những người trong cuộc. Có lẽ không ai có quyền phán xét sự lựa chọn này của vị vua nhà Nguyễn.

Việc làm được đánh giá cao nhất của ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn là hành động tuyên bố thoái vị, giao ấn kiếm cho cán bộ Việt Minh trước mặt đông đảo dân chúng. Đại diện cho chế độ phong kiến cuối cùng, Bảo Đại đã chuyển giao quyền lực trọn vẹn cho lực lượng cách mạng trong thời điểm quyết định, không có xung đột, không có đổ máu. Cả dân tộc cùng cảm khái vì ông đã từ bỏ lợi ích dòng tộc mà tuyên bố: “Tôi thà làm người dân của một nước tự do, còn hơn làm vua của một nước nô lệ”.

Dù đã thoái vị, nhưng sau nhiều thuyết phục, Bảo Đại vẫn có cuộc đàm phán với Cao ủy Pháp Bollaert ở Vịnh Hạ Long, kết quả đưa đến Bản tuyên ngôn Việt – Pháp được công bố vào tháng 1/1949. Theo đó, nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp. Nhiều người chỉ trích Bảo Đại xấu xa, tội lỗi khi đã lấy về một nền độc lập giả hiệu, mà không lưu tâm đến thái độ của những người Pháp có tư tưởng thực dân, họ cũng phản đối điều mà họ cho là sự đầu hàng của Bollaert…

Dù không chung lý tưởng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng Bảo Đại luôn dành những lời lẽ tôn trọng nhất cho Người. Trong một bài trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp, cựu hoàng đã nói: “Tôi luôn luôn xét cụ Hồ Chí Minh ngoài cái tư tưởng cộng sản của ông ấy. Đó là một người có tinh thần quốc gia. Cụ là một người yêu nước”.

Khi thế cuộc đã định, với những tự tôn cuối cùng của một ông vua không còn ngai vàng, ngài lựa chọn cuộc sống lưu vong trên đất Pháp –nhưng kiên quyết không chịu giúp Pháp trong kế hoạch đưa Việt Nam trở lại chế độ bảo hộ. Nhiều câu chuyện kể lại rằng bọn điệp viên đã tìm mọi cách “bần cùng hóa” ông vua khốn khổ để rồi phải tìm đường quay về với chúng, nhưng Bảo Đại vẫn nhất định không quay đầu.

Một người dám khước từ bao cám dỗ vật chất như thế cho đến tận cuối đời hẳn xứng đáng được nhận những đánh giá khách quan hơn của lịch sử!

Linh Lê

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.