Bảo đảm dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch trong bầu cử

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 09/07/2025 13:42

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác bầu cử có phạm vi cả nước, khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, do đó phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.

Sáng 9/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp Phiên toàn thể lần thứ Nhất để cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Sự kiện chính trị quan trọng của đất nước

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nêu rõ, tại Kỳ họp 9, Quốc hội đã tiến hành thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia. 

Đồng thời, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, theo quy định mới của các luật vừa được Quốc hội thông qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành phiên họp thứ Nhất để chính thức cho ý kiến công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 15/3/2026.

Bảo đảm dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch trong bầu cử- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia (Ảnh: Quochoi.vn).

"Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhằm lựa chọn những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND khóa mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp các thành viên đã nghe tờ trình, thảo luận và cho ý kiến cụ thể vào một số dự thảo làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động của Hội đồng Bầu cử bao gồm Tờ trình việc ban hành: Nghị quyết phân công thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; 

Quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Nghị quyết thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết về bộ máy giúp việc Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự kiến chương trình các phiên họp Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự kiến phân công các cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản phục vụ công tác bầu cử.

Các thành viên đánh giá cao các cơ quan tham mưu giúp việc của Hội đồng trong thời gian ngắn đã kịp thời chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các văn bản trình tại phiên họp thứ Nhất. 

Thống nhất cao với nhiều nội dung trong các dự thảo, các đại biểu chỉ rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên các địa phương trong cả nước vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. 

Do đó, phải có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ về công tác chỉ đạo để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công. 

Để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu và Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  sẽ là 2 đơn vị đầu mối thường trực tham mưu có trách nhiệm chỉnh lý, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành, để Hội đồng Bầu cử quốc gia, các Tiểu ban giúp việc, bộ máy giúp việc sớm vận hành, chủ động các công việc theo lộ trình, kế hoạch, nhất là việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa các Luật vừa được Quốc hội thông qua, liên quan đến công tác bầu cử.

Ghi nhận các dự thảo văn bản trình được chuẩn bị công phu, bài bản. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục rà kỹ lưỡng để bảo đảm sự khoa học, linh hoạt, tính thực chất, trong hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia trước khi trình ký.

Bảo đảm dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch trong bầu cử- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội kết luận phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Chủ tịch Quốc hội lưu ý bản phân công thành viên cần hoàn thiện, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan và địa phương. 

"Phải có cập nhật trong phân công, chỉ đạo, để đảm bảo thành công. Trước đây bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp có cấp huyện nhưng giờ không còn cấp huyện vậy vai trò của của cấp tỉnh, cấp xã sẽ như thế nào. 

Trên cơ sở bám sát Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị số 46 về lãnh đạo cuộc bầu cử, Kết luận số 153 về phương hướng bầu cử; các Nghị quyết và các luật vừa được Quốc hội thông qua để chúng ta chuẩn bị việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 đảm bảo chất lượng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ, đây là phiên họp đầu tiên, để định hướng toàn diện, xuyên suốt cho công tác tổ chức cuộc bầu cử, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới, mọi hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia từ Trung ương tới cơ sở đều phải hướng đến sự bảo đảm tuyệt đối các nguyên tắc dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật trong công tác bầu cử. 

Chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

"Công tác bầu cử có phạm vi cả nước, khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, do đó phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Phải thiết lập cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Hội đồng Bầu cử quốc gia với UBTVQH, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ban, ngành, Chính quyền địa phương các cấp", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao vai trò giám sát của nhân dân, của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bầu cử để đảm bảo triển khai một cách thực chất, hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau bầu cử, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân trong bầu cử. 

Các cơ quan chức năng cần chủ động đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc, xuyên tạc về cuộc bầu cử, bảo vệ môi trường thông tin trong sạch, nhất là trên không gian mạng để cử tri yên tâm thực hiện quyền làm chủ; tạo nên nhận thức thống nhất và đồng thuận xã hội, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông.

"Cốt lõi của công tác bầu cử vẫn là thực hiện công tác nhân sự một cách chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỉ lệ đại diện hợp lý. 

Công tác nhân sự khi được tiến hành chặt chẽ, khách quan, làm đúng ngay từ đầu sẽ hạn chế đơn từ khiếu nại, sẽ góp phần quyết định chất lượng ĐBQH khóa mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong tất cả các khâu của công tác bầu cử để đảm bảo thông suốt tới tất cả 34 tỉnh, thành phố, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã của cả nước.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.