3 điểm mới
Về những điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, trả lời tại cuộc phỏng vấn trực tuyến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đã nêu lên 3 điểm mới.
Thứ nhất, công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia, các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập và kiện toàn sớm (Nghị quyết số 108/2020/QH14 ngày 11/6/2020 của Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 111/2020/QH14 ngày 12/6/2020 của Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 118/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 08, 09, 10, 11 ngày 23/9/2020 của Hội đồng Hội đồng bầu cử quốc gia về việc thành lập Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền, Tiểu ban An ninh, Trật tự và Y tế; Nghị quyết số 1000/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia).
Bên cạnh đó, công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước đây. Những yếu tố này đã tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai kịp thời các kế hoạch, lịch trình và công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.
Thứ hai, về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính.
Ngoài ra, việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách.
Thứ ba, công tác chuẩn bị bầu cử được đặt ra trong bối cảnh tình hình nguy cơ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Qua 2 đợt giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia cho thấy, mặc dù các địa phương đã chủ động phòng, chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương nhưng để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đòi hỏi các cấp chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử từ trung ương đến địa phương cần đề cao tinh thần phòng, chống dịch.
Đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế, góp phần tổ chức cuộc bầu cử thành công.
Bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống COVID-19
Trước lo ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi đến các điểm bầu cử đông người, một số ý kiến hỏi về giải pháp nào để người dân yên tâm đi bầu cử mà không lo nhiễm bệnh và trong trường hợp dịch bệnh bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử, hoặc địa phương phải áp dụng cách ly hay phong tỏa... thì việc bầu cử được tiến hành ra sao?
Ông Bùi Văn Cường cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức bầu cử phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh COVID-19; kịp thời triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử với hình thức phù hợp, bảo đảm an toàn.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị chủ quản ứng cử viên chủ động trong việc thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 cho các ứng cử viên trước khi tiếp xúc cử tri và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn trong khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và các hoạt động khác của cuộc bầu cử. Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể tiến hành tổ chức xét nghiệm cho ứng cử viên nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân trong đợt vận động bầu cử.
Mang hòm phiếu đến từng nhà trong khu vực phong tỏa
Trường hợp dịch bệnh COVID-19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng ngày bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh sẽ chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu và những công việc cần thực hiện khác) để Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Tại thời điểm hiện nay, một số địa phương cũng đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng chống dịch, đảm bảo an toàn. Ví dụ như tại Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Ủy ban bầu cử TP đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban bầu cử Thành phố yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức. Nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, sẽ xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, đảm bảo giữ khoảng cách 2m giữa những người tham dự. Bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư. Riêng trường hợp tổ chức cho cử tri đang cách ly tại nhà bỏ phiếu, phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp. Sau khi bàn giao thùng phiếu phải sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi khu vực bỏ phiếu, tự cách ly 14 ngày tại nhà.
Tại Bắc Giang, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người; tại mỗi điểm bầu cử, khu bỏ phiếu đều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cử tri, yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế, đặt vị trí thùng phiếu đúng khoảng cách an toàn để bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ bỏ phiếu. Với khu vực "cách ly nhà với nhà" sẽ thực hiện mang thùng phiếu phụ đến từng nhà để cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu. Đối với các bệnh nhân dương tính với COVID-19, các F1 đang thực hiện cách ly tập trung, tỉnh sẽ điều chỉnh danh sách cử tri về nơi cử tri đang thực hiện cách ly hoặc điều trị COVID-19 để họ thực hiện quyền cử tri…
Chủ động nhiều phương án ứng phó
Ông Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh, để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công và không để xảy ra vi phạm, tránh phải tổ chức bầu cử lại, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, hệ thống loa phát thanh, động viên cử tri nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử, chủ động tham gia bầu cử, tránh bầu hộ, bầu thay...
Tổ chức tập huấn kỹ càng cho lực lượng làm công tác bầu cử, chuẩn bị thật tốt về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo, công tác an ninh an toàn cho cuộc bầu cử. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng triển khai nhiều phương án khi dịch bệnh bùng phát đúng dịp bầu cử.
Cần quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không được lơ là, chủ quan mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm nhưng cũng không hoang mang, cần bình tĩnh tự tin ứng phó với từng tình huống khi dịch xảy ra trên địa bàn; chủ động đưa ra nhiều phương án ứng phó với diễn biến của tình hình dịch bệnh, an ninh trật tự, thời tiết trước và trong lúc cuộc bầu cử diễn ra.
Theo baochinhphu.vn