Tổng thống Mỹ Biden gặp Tổng thống Ukraine Zelensky trong chuyến thăm Kiev (ảnh: CNN)
Hôm 27/2, tờ Bild của Đức đưa tin, phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ, muốn thấy các lực lượng Ukraine tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ vào mùa thu. Để Kiev làm được điều này, phương Tây đang tăng cường viện trợ vũ khí.
Tuy nhiên, nếu quân đội Ukraine không hoàn thành mục tiêu, phương Tây đang cân nhắc gây áp lực khiến Kiev phải đàm phán chấm dứt xung đột ở Moscow.
Dẫn nguồn tin từ giới chức Washington và Berlin, Bild nhận xét rằng đây là “tối hậu thư” mà phương Tây gửi Ukraine về thời điểm cuộc chiến phải chấm dứt.
“Nếu cuộc phản công thất bại, áp lực buộc Kiev phải đàm phán sẽ tăng lên”, Bild viết.
Bild đã đề nghị Berlin bình luận về thông tin trên. Berlin không xác nhận nhưng cũng không phủ nhận điều này.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần tuyên bố mong muốn xung đột Nga – Ukraine chấm dứt bằng đàm phán.
Phương Tây đã đổ hàng chục tỷ USD vào Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, quân đội Ukraine vẫn tỏ ra yếu thế trước lực lượng Nga ở mặt trận miền Đông. Nền kinh tế Ukraine thiệt hại hàng trăm tỷ USD do xung đột, trong khi kinh tế Mỹ - châu Âu cũng gặp khó khăn. Hiện tại quân đội Ukraine gần như chiến đấu hoàn toàn bằng vũ khí phương Tây viện trợ, theo RT.
Trả lời phỏng vấn của RIA Novosti hôm 27/2, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và viện trợ vũ khí cho Ukraine của phương Tây đã không mang lại kết quả.
Ông Szijjarto nhấn mạnh, chỉ có một giải pháp hòa bình mới giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đồng tình với quan điểm này.
Ngoại trưởng Hungary than thở rằng, mỗi khi có ai đó lên tiếng ủng hộ hòa bình, họ ngay lập tức bị phương Tây và Kiev quy chụp là “thân Nga”.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 27/2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Hungary lo ngại việc phương Tây “bơm” vũ khí cho Kiev và kịch bản một số nước thành viên EU gửi quân tới Ukraine tham chiến.
“Cả châu Âu đang từng bước sa vào một cuộc chiến. Nếu mọi thứ tiếp diễn theo chiều hướng này, sẽ có một số người muốn gửi quân đến Ukraine”, ông Orban nói.
“Chúng ta cần một lệnh ngừng bắn. Chúng ta cần đàm phán hòa bình. Đó là lý do tại sao Hungary kiên quyết đề nghị giải pháp hòa bình trên tất cả diễn đàn quốc tế”, ông Orban nhấn mạnh.
Vương Nam – RT