Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, tôi đã thấm thía những khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây, từ cái nắng gió Lào bỏng rát mùa hè đến những cơn bão lũ nối tiếp vào mùa thu. Ngày thơ bé, mưa bão là niềm vui của trẻ con chúng tôi mặc người lớn lo toan đói nghèo. Tuổi thơ của tôi gắn liền với hình ảnh những mái nhà thấp lè tè, những cây cau, cây dừa oằn mình trước gió, và mùi ẩm mốc đặc trưng sau mỗi trận bão lũ. Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi hồn nhiên đến lạ. Mỗi khi nghe tin bão về, thay vì lo lắng, trong lòng lại rộn ràng một niềm vui khó tả. Bão đồng nghĩa với việc được nghỉ học, được chạy khắp làng sau bão để nhặt nhạnh những trái cây rụng từ những cây đổ: mít, ổi, xoài, bưởi... Những thứ quả mà ngày thường chỉ dám nhìn chứ không dễ gì có được. Có lẽ, đó là cách mà tuổi thơ giản dị của chúng tôi tìm thấy niềm vui giữa bao bộn bề, lo toan của người lớn.

Lũ ngập nhà dân tại Nghệ An (Ảnh: Đào Thọ)
Trong khi chúng tôi say sưa với "chiến lợi phẩm" sau bão, người lớn lại gồng mình chống chọi. Tiếng cưa, tiếng đục chằng chống nhà cửa, tiếng í ới gọi nhau tích trữ từng củ khoai, củ sắn, bó củi khô... Tất cả đều vì một mục đích duy nhất: sống sót qua những ngày giông bão. Miền Trung ngày ấy còn nghèo lắm, những tháng giáp hạt, nhà nào nhà nấy đói meo. Lương thực chỉ đủ ăn cầm chừng, chứ nói gì đến chuyện dư dả. Bão lũ không chỉ cuốn trôi hoa màu, phá hoại nhà cửa mà còn đẩy cái đói đến gần hơn, dai dẳng hơn.
Giờ đây, khi đã trưởng thành và rời xa quê hương, mỗi khi nghe tin bão đổ bộ vào miền Trung, trong lòng tôi vẫn dậy lên một cảm giác bồn chồn khó tả. Dù không còn phải lo cái đói như ngày xưa, nhưng cả làng tôi, và có lẽ cả triệu người dân miền Trung, vẫn nơm nớp lo sợ. Những cơn bão ngày nay không còn là những "niềm vui" của tuổi thơ mà đã trở thành những nỗi ám ảnh, những thảm họa thực sự.
Mức độ tàn phá của bão lũ ngày càng khủng khiếp hơn. Bão không chỉ mang theo gió giật mạnh, mưa lớn mà còn kéo theo những hậu quả khôn lường như lũ ống, lũ quét cuốn phăng mọi thứ trên đường đi; sạt lở đất vùi lấp cả làng mạc, nhà cửa; những cơn lốc xoáy giật tung mái ngói, biến những ngôi nhà kiên cố thành đống đổ nát chỉ trong chớp mắt... Những hình ảnh tan hoang, những mất mát đau thương cứ lặp đi lặp lại mỗi mùa mưa bão. Con người trở nên nhỏ bé và yếu ớt trước sức mạnh tàn khốc của thiên nhiên.
Có nhiều lý do khiến bão lũ ngày càng trở nên đáng sợ. Biến đổi khí hậu toàn cầu là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Trái Đất nóng lên làm tăng nhiệt độ nước biển, cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các cơn bão, khiến chúng mạnh hơn và khó lường hơn. Bên cạnh đó, việc khai thác rừng trái phép, bê tông hóa đô thị cũng góp phần làm giảm khả năng hấp thụ nước của đất, khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn.
Thế nhưng, giữa những mất mát và đau thương ấy, một điều khiến tôi luôn cảm thấy ấm áp và tự hào là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam. Đất nước ngày càng phát triển, kinh tế giàu có hơn, và điều đó được thể hiện rõ nét nhất sau mỗi đợt thiên tai. Khi một địa phương, một gia đình nào đó bị thiệt hại, cả làng, cả nước lại đồng sức, đồng lòng hướng về nơi ấy.

Cây cối đổ rạp sau trận mưa lũ ngày 22/7 tại Mường Xén (Ảnh: Đào Thọ)
Tôi còn nhớ rõ, ngày 2/10/2022, tại huyện Kỳ Sơn (cũ), tỉnh Nghệ An – nơi tôi từng công tác, đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng. Làng bản tan hoang, nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, thậm chí có cả những mất mát về người. Nỗi đau bao trùm cả một vùng quê. Nhưng chỉ một ngày sau, dường như cả đất nước đã hướng về Kỳ Sơn. Khắp nơi trên cả nước, từ thành phố lớn đến vùng nông thôn, đều đồng loạt kêu gọi chung tay ủng hộ sức người, sức của để khắc phục hậu quả. Những chuyến hàng cứu trợ nối đuôi nhau, những đoàn tình nguyện viên không quản ngại khó khăn để đến với bà con vùng lũ. Từ những cụ già dành dụm từng đồng lương hưu, những em học sinh đập heo đất, đến những doanh nghiệp lớn đóng góp hàng tỷ đồng, tất cả đều hướng về miền Trung ruột thịt. Tấm lòng sẻ chia ấy không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho những người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống.
Hay như trước đó, đợt mưa lớn gây sạt lở ở Rào Trăng, rồi năm ngoái tại làng Nủ…hình ảnh những chiến sĩ bộ đội dầm mình trong mưa lũ cứu dân, những y bác sĩ không quản ngại hiểm nguy để chăm sóc người bệnh, hay những tình nguyện viên quên mình giúp đỡ bà con. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ về tình người, về sự sẻ chia, và về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Miền Trung đã tôi luyện cho con người nơi đây một ý chí kiên cường, một nghị lực phi thường. Dù thiên tai có khắc nghiệt đến mấy, người dân miền Trung vẫn không ngừng vươn lên. Sau mỗi trận bão lũ, những ngôi nhà lại được dựng lên, những cánh đồng lại được gieo trồng, và cuộc sống lại dần hồi sinh.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào sự khắc phục sau mỗi trận lũ. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cần có những giải pháp đồng bộ và lâu dài. Đó là việc tăng cường các biện pháp phòng chống bão lũ, xây dựng hệ thống đê điều, hồ chứa hiệu quả; đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ môi trường; và nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu.
Với sự phát triển của đất nước, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tôi tin rằng miền Trung sẽ ngày càng vững vàng hơn trước những thách thức của thiên tai. Những cơn bão lũ sẽ vẫn còn đó, nhưng với sự chuẩn bị tốt hơn, với sự đồng lòng của cả cộng đồng, người dân miền Trung sẽ không còn phải đối mặt với những nỗi sợ hãi đơn độc. Và tôi hy vọng, một ngày không xa, những đứa trẻ ở miền Trung sẽ lại có thể tìm thấy những niềm vui hồn nhiên trong cơn bão, không phải vì sự đói nghèo, mà vì sự an toàn và những điều tốt đẹp khác mà cuộc sống mang lại.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả