Mỹ giới thiệu oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-21 vào ngày 2/12.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia cho biết, điểm đáng chú ý của oanh tạc cơ Mỹ mới giới thiệu là có khả năng sản xuất đại trà, đặt ra thách thức mới đối với Trung Quốc.
Hôm 2/12, tại nhà máy của không quân Mỹ ở Palmdale, bang California, oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-21 chính thức lộ diện. Đây là mẫu máy bay ném bom chiến lược tương lai sẽ dần thay thế mẫu B-2 Spirit.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói dự án chế tạo oanh tạc cơ B-21 được phát triển trong 7 năm, có tầm hoạt động đáng kể giúp điều động trực tiếp từ lãnh thổ Mỹ và có tính năng tàng hình nâng cấp khiến các hệ thống phòng không khó phát hiện hơn.
B-21 được thiết kế để dễ dàng trong việc bảo trì bảo dưỡng, có thể tham gia các sứ mệnh ném bom thông thường hoặc mang theo bom hạt nhân. Kiến trúc hệ thống mở giúp mẫu oanh tậc cơ này có khả năng tùy biến cao, đồng thời cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và giám sát chiến đấu, theo ông Austin.
Zhang Xuefeng, chuyên gia am hiểu quân đội Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu rằng, mẫu B-21 có thiết kế khá tương đồng với phiên bản B-2 tiền nhiệm, nhưng có một số sửa đổi giúp tăng khả năng tàng hình.
Theo ông Zhang, tính năng tàng hình vượt trội giúp mẫu oanh tạc cơ B-21 có thể xâm nhập vào nơi đối phương phòng thủ dày đặc, ném bom thông thường ngay phía trên mục tiêu. Phương pháp này hiệu quả và rẻ tiền hơn là sử dụng các chiến đấu cơ phóng tên lửa hành trình tầm xa, ông Zhang nói.
Một chuyên gia Trung Quốc giấu tên khác nhận định, oanh tạc cơ B-21 nhỏ hơn và nhẹ hơn B-2, sử dụng hai động cơ thay vì 4. Theo chuyên gia này, mẫu B-21 sẽ có tầm hoạt động hạn chế hơn và tải trọng tối đa kém hơn, nhưng chi phí hoạt động sẽ giảm đáng kể.
Không quân Mỹ có kế hoạch tiếp nhận 100 chiếc B-21, so với 20 chiếc B-2 đang có hiện nay.
B-21 nằm trong chiến lược hiện đại hóa bộ ba tấn công hạt nhân của Mỹ. Điều này tương đồng với việc Mỹ chuyển từ chiến lược tập trung chống khủng bố sang đối phó sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Tờ Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia Trung Quốc giấu tên cho biết, phi đội với số lượng đông đảo các oanh tạc cơ B-21 sẽ tạo ra thách thức đáng kể đối với các hệ thống phòng không của Trung Quốc, do tận dụng ưu thế tàng hình và khả năng tấn công đa hướng, không chỉ từ vùng biển Tây Thái Bình Dương mà còn từ Biển Đông hay từ không phận của các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á, cũng như từ Trung Đông.
Trong các chiến lược tấn công như vậy, oanh tạc cơ Mỹ có thể nhắm tới trung tâm chỉ huy, căn cứ quân sự, sân bay, cơ sở tên lửa, đặt ra thách thức với chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận của Trung Quốc, chuyên gia giấu tên cảnh báo.
Để đối phó oanh tạc cơ B-21, Trung Quốc cần chủ động tấn công sân bay quân sự Mỹ có sự hiện diện của mẫu máy bay này, cũng như cần tìm cách phát triển mẫu máy bay ném bom tương đương mẫu B-21, ông Zhang nói.
Trung Quốc hiện đang phát triển mẫu oanh tạc cơ H-20 có thiết kế giống B-2 và B-21, nhưng thời gian phát triển kéo dài có thể khiến mẫu oanh tạc cơ này lỗi thời trước khi được sản xuất hàng loạt.
Oanh tạc cơ B-21 của Mỹ dự kiến sẽ có chuyến bay thử đầu tiên trong năm 2023. Các dự án chế tạo máy bay B-2, F-22 hay F-35 của Mỹ đều gặp vấn đề trì hoãn và đội giá, nên vẫn còn khoảng thời gian dài trước khi những chiếc B-21 chính thức được biên chế trong không quân Mỹ, theo các nhà quan sát Trung Quốc.
Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu