Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trò chuyện với người đồng cấp Volodymyr Zelensky ở Nhà Trắng.
Trả lời phỏng vấn hôm 29/1, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Rob Bauer nói liên minh do Mỹ dẫn đầu sẵn sàng cho xung đột trực tiếp với Nga. "Chúng tôi sẵn sàng", ông Bauer nói. "Nhưng NATO chỉ can thiệp nếu Nga vượt qua lằn ranh đỏ. Đó là khi Nga tấn công một trong các nước thành viên".
Hiện tại, quân đội Nga và các lực lượng hậu thuẫn đang giành được thêm bước tiến, đặc biệt là ở khu vực quanh "chảo lửa" Bakhmut. Hôm 29/1, thủ lĩnh tập đoàn đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin nói lực lượng đã kiểm soát thị trấn Blagodatnoye gần Soledar, theo TASS.
Cui Heng, chuyên gia am hiểu về Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói trên tờ Hoàn Cầu rằng năng lực chiến đấu của quân đội Nga ở Ukraine đã được cải thiện kể từ khi đại tướng Valery Gerasimov được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy chiến dịch. Ngược lại, phía Ukraine đang hứng chịu tổn thất lớn, cả về nhân lực và trang thiết bị quân sự.
Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nhận định trên tờ Hoàn Cầu rằng "Kiev sẽ tìm cách để NATO can thiệp trực tiếp vào xung đột vì đây là giải pháp nhanh nhất để giúp lật ngược tình thế", ông Song nói. "Nhưng Washington chỉ muốn tận dụng cuộc chiến ở Ukraine để làm suy yếu Moscow".
Wei Dongxu, một chuyên gia quân sự khác ở Bắc Kinh, nói quân đội Ukraine có thể tạo ra bước tiến nếu có thể sở hữu bộ ba 3 vũ khí uy lực của phương Tây, gồm tiêm kích F-16, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và xe tăng hạng nặng.
Theo ông Song, Nga "không khoanh tay đứng nhìn Ukraine được trang bị các vũ khí theo chuẩn NATO", nên chắc chắn sẽ gia tăng cường độ tấn công, mở thêm chiến dịch quy mô lớn.
Thông điệp của ông Bauer có nghĩa là NATO sẽ không can thiệp trực tiếp, miễn là Nga "chỉ giới hạn chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine", tờ Hoàn Cầu cho biết.
Nhưng nếu Nga không giành thêm bước tiến trước khi Ukraine được NATO vũ trang mạnh mẽ, cục diện xung đột có thể trở nên rất khó lường. Kiev có thể gây thiệt hại lớn cho Moscow ở Crimea và các vùng lãnh thổ khác của Nga giáp biên giới Ukraine. Lúc đó, Nga sẽ phải đáp trả với cường độ mạnh hơn, khiến xung đột leo thang, ông Song nói.
"Một khi NATO can thiệp trực tiếp, cuộc xung đột ở Ukraine có thể biến thành giao tranh giữa NATO và Nga, có khả năng cao là sự khởi đầu của Thế chiến 3 ở châu Âu", ông Song nhận định.
Với tuyên bố của ông Baur, NATO đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất và Nga cũng như vậy, các chuyên gia Trung Quốc nhận định.
Hôm 13/1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện để Nga và Ukraine đối thoại, tìm kiếm triển vọng hòa bình trong năm 2023.
Ông Trương nói tình hình xung đột hiện tại là kết quả của sự mất cân bằng an ninh ở châu Âu. Điều này chỉ được giải quyết nếu các bên ngồi vào bàn đàm phán, tìm giải pháp chấm dứt xung đột và xây dựng lại cơ chế an ninh mới cho châu lục.
Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu