Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ có chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4/2023.
Theo tờ Hoàn Cầu, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu sắp tới sẽ thăm Trung Quốc, quan hệ giữa Bắc Kinh và châu Âu sẽ ngày càng được củng cố, trái ngược với toan tính của Mỹ.
Washington thổi phồng khả năng Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Moscow nhằm làm chia rẽ Trung Quốc với châu Âu, nhưng chiến lược này đã thất bại, theo lời các chuyên gia do Hoàn Cầu dẫn lại.
Hôm 5/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, không có khả năng Trung Quốc tuyên bố cung cấp vũ khí cho Nga và "Berlin đã nhận được sự đảm bảo từ Bắc Kinh".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cũng nói rằng, Mỹ "không có bằng chứng" để chứng minh Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga.
Theo tờ Hoàn Cầu, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan và giám đốc CIA Bill Burn cũng thừa nhận chưa có bằng chứng cụ thể về vấn đề này.
Gao Jian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về châu Âu tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho biết, những lời thổi phồng của Mỹ không đơn thuần là suy luận, mà còn nhằm gây sức ép, do đó đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và nguyên tắc thông thường của quan hệ quốc tế.
"Washington muốn làm xói mòn uy tín của bắc Kinh, phủ nhận vai trò của Bắc Kinh trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình trong xung đột ở Ukraine", chuyên gia Cui Heng đến từ Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói. "Mỹ cũng muốn tạo sức ép nhằm cản trở chuyến thăm Trung Quốc của các lãnh đạo châu Âu".
Ông Gao nói việc châu Âu không mù quáng nghe theo Mỹ là phù hợp với lẽ thường và dựa trên diễn biến thực tế. Ông Gao nhấn mạnh việc châu Âu đã chịu nhiều tổn hại trong xung đột ở Ukraine trong khi Mỹ lại hưởng lợi lớn.
Theo tờ Hoàn Cầu, Trung Quốc và châu Âu có thể cùng nhau tìm kiếm giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Dĩ nhiên, châu Âu vẫn đang ở giai đoạn cân nhắc lại mối quan hệ với Trung Quốc trước sức ép từ Mỹ. Đó là lý do nội bộ châu Âu có những bất đồng trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu