Bất động sản du lịch Thanh Hóa: “Gà đẻ trứng vàng”?

Bất động sản du lịch Thanh Hóa: “Gà đẻ trứng vàng”?

Nguyễn Hữu Phương

Nguyễn Hữu Phương

Thứ 4, 17/08/2022 15:00

Thanh Hóa đang nổi lên là một địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng trong đó, mảng bất động sản du lịch đặc biệt được quan tâm.

Tiềm năng du lịch lớn

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở cửa ngõ nối Bắc Trung bộ và miền Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam. Đây là một tỉnh lớn với dân số đứng thứ 3 và diện tích lớn thứ 5 cả nước. Thanh Hóa hội tụ đầy đủ các điều kiện về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, mang dáng dấp của một nước Việt Nam thu nhỏ.

Được thiên nhiên ưu đãi, Thanh Hóa có cả trung du - miền núi, đồng bằng và ven biển. Trong đó, bờ biển Thanh Hóa có chiều dài khoảng hơn 100 km với các khu du lịch truyền thống như Sầm Sơn, Hải Tiến... Ngoài biển, Thanh Hóa có vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên: Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, thác Mây, thác Ma Hao,… đặc sắc và kỳ vĩ.

Không những vậy, vùng đất Thanh Hóa còn có sự trầm lắng lịch sử, văn hóa đã được hun đúc qua hàng nhiều thế kỷ. Qua đó, đã lưu lại nhiều danh tích lịch sử, văn hóa có giá trị như: Thành Nhà Hồ (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới); 5 khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, gồm: Lam Kinh, đền thờ Bà Triệu, Lê Hoàn, núi Trường Lệ, hang Con Moong.

Bất động sản - Bất động sản du lịch Thanh Hóa: “Gà đẻ trứng vàng”?

Tp.Sầm Sơn thu hút lượng khách kỷ lục trong hè 2022.

Ngoài các yếu tố đã nêu ở trên, Thanh Hóa có hệ thống giao thông rất thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.

Từ những lẽ đó đã đưa Thanh Hoá trở thành một trong những địa chỉ du lịch hiếm hoi có lợi thế phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm…

Tại tọa đàm “Xu hướng đầu tư BĐS bền vững sau dịch” diễn ra tại Thanh Hóa ngày 10/5, PGS. TS. Trần Đình Thiên (nguyên là viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cũng đã khẳng định quan điểm, Thanh Hoá có vị thế chiến lược, là yết hầu lưu thông giữa miền Bắc và miền Trung, nơi hội tụ các nguồn lực, với lợi thế đất rộng người đông, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, sở hữu nguồn tài nguyên văn hoá - lịch sử - tự nhiên độc đáo phong phú, từ đó mang tới tiềm năng phát triển du lịch rất lớn mà trong đó, mảng bất động sản du lịch chăc chắn không thể ngoài cuộc.

Tuy nhiên, đi kèm với những tiềm năng lợi thế kể trên, bất động sản du lịch Thanh Hóa cũng đang tồn tại những hạn chế nhất định.

Khó khăn chờ lời giải

“Mùa ngủ đông” - thời gian từ khoảng tháng 9 tới tháng 3 năm sau, được xem là “gót chân A-sin (Achilles)” của ngành du lịch Thanh Hóa. Vào khoảng thời gian này, hầu như tất cả bãi biển ở đây đều không thể duy trì hoạt động bởi lý do không có khách du lịch. Cùng với đó, sự cạnh tranh khốc liệt từ các địa phương khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng là điểm lưu ý của các nhà đầu tư.

“Ngoài Bắc, việc du lịch biển vào mùa đông thì lựa chọn đầu tiên sẽ là khu vực phía Nam với thời tiết nắng ấm. Tuy nhiên, Thanh Hóa cũng có những lợi thế nhất định như khoảng cách di chuyển phù hợp, trong khi giá cả dịch vụ tương đối phù hợp nhiều khách hàng”, anh Vũ Tiến Đại, chủ khách sạn Ánh Sáng (Tp.Sầm Sơn) cho biết.   

Một điểm đáng lưu ý khác, thời gian qua bất động sản Thanh Hóa đã hình thành một mức giá tương đối cao, là rào cản nhà đầu tư thứ cấp, nhỏ lẻ tiếp cận thị trường này.

“Giá đất tại Thanh Hoá đã được đẩy lên mức tương đối cao, mỗi căn thuộc các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng tầm 7 tỷ đồng đổ lên. Trong khi đó, phần lớn người dân Thanh Hóa thu nhập cũng chưa cao để tiếp cận. Đồng thời, các nhà đầu tư ở Hà Nội có thể lựa chọn địa điểm gần gũi hơn như Hoà Bình, Vĩnh Phúc hoặc đã được khẳng định thương hiệu như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc”, ông Nguyễn Minh Đức, nhà đầu tư bất động sản nhiều năm tại Tp.Thanh Hóa chia sẻ.

Ngoài ra, có một thực tế, tại các bãi biển nổi tiếng của Thanh Hoá, các quỹ đất đẹp đều đã được các nhà đầu tư “xí phần” từ trước khiến các doanh nghiệp lớn muốn chọn suất đầu tư xứng tầm không còn nhiều đất để triển khai.

Tuy vậy, đối với cách nhìn nhận của một số nhà đầu tư khác, việc đầu tư vào Thanh Hóa hiện tại là lựa chọn mang tính dài hơi, chiến lược và cách tiếp cận đúng đắn sẽ thu được hiệu quả tối đa.

“Khác với những người bạn đầu tư vào phía Nam hoặc ven Hà Nội, sau thời gian tìm hiểu, tôi đã quyết đầu tư tại Thanh Hóa, bởi tôi thấy đây là địa phương có tiềm năng du lịch rất lớn, nhất là mảng du lịch nghỉ dưỡng đang còn chưa được khai phá nhiều, cảnh đẹp hoang sơ trong khi giao thông ngày càng thuận tiện rút ngắn được nhiều thời gian”, anh Nguyễn Văn Quang một nhà đầu tư tới từ Hà Nội, chủ cơ sở CASA Puluong resort (Khu du lịch Puluong, huyện Bá Thước, Thanh Hóa).

Bất động sản - Bất động sản du lịch Thanh Hóa: “Gà đẻ trứng vàng”? (Hình 2).

Ngoài du lịch biển, mô hình du lịch nghĩ dưỡng, sinh thái tại Puluong (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) dần được du khách quan tâm. Ảnh: (Casa Puluong Resort).

Cũng theo anh Quang, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư như anh gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng đã dần siết chặt tín dụng.

“Ngoài cơ sở kinh doanh, tôi và mấy anh em cũng có đầu tư thêm một số lô đất. Tuy nhiên, việc ngân hàng bắt đầu siết chặt tín dụng nên đợt này phải thu hẹp, chắt lọc lại”, anh Quang chia sẻ thêm.

Trao đổi với Người Đưa Tin, về vấn đề trên, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Tập đoàn BĐS Đông Á cho biết, ngoài những vấn đề hạn chế cốt lõi đã nêu trên, cơ quan chức năng cần tính toán tạo nhiều ưu đãi, thông thoáng hơn nữa để thu hút các “đại bàng về làm tổ”.

“Về cơ bản các cấp chính quyền địa phương đã luôn hỗ trợ cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong công tác giải phóng mặt bằng còn một số hạn chế dẫn tới chậm tiến độ. Trên cơ sở đó, mong cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng nhau để tháo gỡ khó khăn, có phương hướng xử lý phù hợp để giải quyết các vấn đề trên một cách hợp tình hợp lý nhất”, ông Đoan nêu nguyện vọng.

“Gà đẻ trứng vàng”?

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trong vòng 3 năm qua, Thanh Hóa đã thu hút nhiều nhà đầu tư với tổng vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, có dự án tổng số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đô la Mỹ.

Cụ thể, Công ty CP tập đoàn Mặt Trời (Sun group) đang thực hiện 2 dự án lớn, là dự án tại Tp.Sầm Sơn có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD với diện tích lên tới 310ha và dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng tại H.Quảng Xương có diện tích gần 100 ha với tổng mức đầu tư khoảng 6.849 tỷ đồng.

Cũng tại Tp.Sầm Sơn, Tập đoàn BĐS Đông Á cũng đang triển khai dự án Khu đô thị sinh thái biển Đông Á với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, dự án này được kỳ vọng sẽ nâng tầm BĐS du lịch khu vực Nam Sầm Sơn.

Bất động sản - Bất động sản du lịch Thanh Hóa: “Gà đẻ trứng vàng”? (Hình 3).

Dự án Khu đô thị sinh thái biển của Tập đoàn Đông Á (P.Vinh Sơn, TP.Sầm Sơn) được kỳ vọng sẽ là đầu tàu phát triển mảng bất động sản du lịch Nam Sầm Sơn.

Ngoài ra, là các dự án lớn hàng nghìn tỷ đồng đã và đang triển khai trong vòng 3 năm qua như dự án tổ hợp nghỉ dưỡng theo mô hình công viên chủ đề Universal có quy mô hơn 1.300 ha, tổng vốn khoảng 2 tỷ USD tại Hải Tiến của Tập đoàn Flamingo tổ hợp đô thị du lịch biển Vlasta - Sầm Sơn; dự án T&T Group tại thị xã Nghi Sơn; dự án sân golf quốc tế 73ha tại huyện Quảng Xương của tập đoàn BRG…

“Hiện cơ sở kinh doanh của tôi đang trên đà hồi phục và hoạt động khá tốt, năm nay dự kiến đốn lượng khách gấp đôi dự tính. Mặc dù các sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế, văn hóa giao tiếp du lịch chung của cộng đồng cũng cần phải cải thiện nhiều so với các địa phương khác, quan niệm du lịch mùa đông ở miền Bắc còn hạn chế... Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là cả quá trình được định hướng lâu dài, không thể một sớm một chiều mà có thể làm được”, anh Quang, chủ cơ sở CASA Puluong resort hồ hởi chia sẻ.

Đánh giá về tiềm năng của mảng BĐS du lịch, trong tọa đàm “Xu hướng đầu tư BĐS bền vững sau dịch”, ông Nguyễn Văn Đính, CT Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, giá bất động sản Thanh Hóa tăng bình quân 20- 25%/năm. Tại nhiều điểm nóng, giá bất động sản có thể tăng từ 30 -50%/năm, tăng gấp đôi, gấp ba chỉ sau vài năm.

Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL Thanh Hoá, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã đón được 6,8 triệu lượt khách, đạt 68,2% kế hoạch năm và tăng 131,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng thu từ du lịch ước đạt 11.555 tỷ đồng, tăng 2,61 lần so với 6 tháng đầu năm 2021, đạt 64,5% kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng Sầm Sơn đón được trên 4,1 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 3.450 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm 2022.

Về những thành quả ban đầu của du lịch Thanh Hóa, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa nhận định, những thành công trên là nhờ những yếu tố nội tại và sự cộng hưởng của nhiều biện pháp mà tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm thực hiện.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa có vị trí địa lý thuận lợi, loại hình du lịch đa dạng, trong khi đó, sau thời gian dài dịch bệnh nhu cầu du lịch của người dân tăng cao.

Tiếp đó, Sở cũng đã tham mưu cho tỉnh có sự chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch; các cơ sở kinh doanh cũng đã có chuẩn bị kỹ càng, có thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, sửa sang, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất…

"Các yếu tố cơ bản trên đã cộng hưởng lại với nhau thúc đẩy ngành du lịch hồi phục và phát triển nhanh chóng sau những tác động nặng nề của dịch Covid-19", bà Yến cho biết.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH-ĐT Thanh Hóa cho biết, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên 3 năm qua Thanh Hóa vẫn thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tiếp nối những thành quả, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thu hút được 45 dự án đầu tư với tổng vốn trên 10 nghìn tỷ đồng.

Trong kế hoạch phát triển, tỉnh Thanh Hóa xem du lịch một trong 6 trụ cột tăng trưởng chính. Để thực hiện, Tỉnh này ngoài thực hiện các quy định hiện hành đã cố gắng tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, với tinh thần luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, minh bạch thông tin…

Đồng thời, Sở với chức năng nhiệm vụ của mình cũng đã tham mưu cho tỉnh để trình Chính phủ xem xét ban hành các chính sách đặc thù thực hiện Nghị Quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hơn nữa.

Việt Phương

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.