“Thủ phủ resort mới” Hồ Tràm tái khởi động tích cực
Khảo sát do Savills Hotels công bố hôm 1/6 cho thấy, đã có 78% các cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước mở cửa đón khách trở lại. Đây được đánh giá là bước đi “dũng cảm” của các chủ đầu tư Việt Nam, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia lân cận như Thái Lan, nơi hầu hết các khách sạn vẫn đang tạm ngưng hoạt động để chờ sự khôi phục của thị trường khách quốc tế.
Hồ Tràm – Long Hải và TP.HCM đứng đầu về tỷ trọng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng hoạt động trở lại sau dịch. Đây cũng là địa phương dẫn đầu danh sách các điểm đến phục hồi về công suất cho thuê phòng, thậm chí là khai thác hết công suất vào cuối tuần do phần lớn du khách vẫn e ngại di chuyển bằng đường hàng không sau dịch Covid-19.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, hình thức “du lịch tại chỗ” - “staycations” trở thành một trong những giải pháp phục hồi hàng đầu đối với các chủ đầu tư và nhà điều hành khách sạn. Theo đó, các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích.
“Khách hàng vẫn trải nghiệm như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa”, ông Mauro đánh giá.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho Hồ Tràm – điểm đến du lịch giàu tiềm năng, nằm cách TP HCM khoảng 2 giờ di chuyển bằng ôtô qua cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Khu vực này còn có cơ hội tiếp cận với lượng khách khổng lồ từ vùng Đông và Tây Nam Bộ khi cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và Bến Lức – Long Thành đi vào hoạt động. Bản thân Hồ Tràm được mệnh danh là một trong những “thiên đường nghỉ dưỡng mới” phía Nam, nhờ sở hữu bờ biển dài hoang sơ, những rừng phi lao, rừng tràm xanh ngút mắt và những làng chài, lễ hội truyền thống độc đáo.
Trong chuyến thị sát tại Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tỉnh này cùng với 7 tỉnh, thành khu vực phía Nam (bao gồm TP HCM, Đồng Nam, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang và Long An) sẽ hình thành nên “bát giác kim cương” phát triển kinh tế - du lịch. Khu vực được định hướng trở thành siêu đô thị có quy mô hàng đầu Đông Nam Á và cả Đông Á, chiếm đến 43% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước.
Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đứng thứ ba cả nước về đóng góp ngân sách (chỉ sau TP HCM và Hà Nội) và đứng thứ 5 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2019. Lượng du khách đến tỉnh trong năm qua có sự tăng trưởng khá nhờ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có hiệu quả. Cụ thể, khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước 6,6 triệu lượt, tăng 12,8% so với cùng kỳ; khách du lịch theo tour của dịch vụ lữ hành hơn 145.000 lượt, tăng 15,1%.
Huyện Xuyên Mộc (nổi bật là Hồ Tràm) đóng góp phần quan trọng vào lượng khách đến Bà Rịa – Vũng Tàu, với doanh thu từ hoạt động du lịch trong năm 2019 đạt hơn 1.841 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018. Dọc bờ biển Hồ Tràm được mệnh danh là “thủ phủ resort” của Bà Rịa – Vũng Tàu, với sự góp mặt của những chủ đầu tư và nhà phát triển bất động sản danh tiếng như Hưng Thịnh Land, Novaland, Nhà Đạt Gia, Bất động sản Mỹ Đình…
Hưng Thịnh Land ra mắt dự án mới đón sóng “đầu tư sức khỏe”
Nói về quyết định chọn Hồ Tràm làm nơi “đất lành”, đại diện Hưng Thịnh Land cho biết, bên cạnh các lợi thế sẵn có, nơi đây còn sở hữu quy hoạch hệ sinh thái du lịch tương đối phát triển. Nổi bật là quy hoạch đô thị Hồ Tràm, với mục tiêu đưa nơi đây thành trung tâm hành chính, khu vực quan trọng trong hành lang phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch. Từ đây, du khách có thể nhanh chóng tiếp cận với những điểm du lịch hấp dẫn trong khu vực như Hồ Cốc, bãi biển Lộc An, núi Minh Đạm, suối nước nóng Bình Châu, khu du lịch sinh thái – văn hoá Hồ Mây, làng chài Phước Hải, Casino Hồ Tràm, Safari Hồ Tràm…
“Hiếm có điểm đến nào tại khu vực phía Nam sở hữu những lợi thế lớn như Hồ Tràm, đặc biệt là việc thừa hưởng lượng khách khổng lồ đến và đi từ TP HCM mỗi ngày”, đại diện Hưng Thịnh Land chia sẻ.
Đón đầu thời cơ nói trên, nhà phát triển bất động sản này đã chính thức giới thiệu ra thị trường dự án Ho Tram Complex. Với quy mô hơn 7,5 ha, Ho Tram Complex được xem là một trong những dự án đón đầu xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khoẻ tại khu vực Hồ Tràm.
Bên cạnh các tiện ích ngoại khu, dự án còn được đầu tư phát triển tổ hợp tiện ích nội khu hiện đại với quy mô lớn, bao gồm: hồ bơi nước mặn và nước ngọt, quảng trường nhạc nước, vườn thiền trên cao, night market, sân cỏ đa năng, outdoor fitness, hệ thống gym – spa chuyên nghiệp…
Được biết, Hưng Thịnh Land là thành viên nòng cốt song hành cùng Tập đoàn Hưng Thịnh phát triển thành công hàng loạt dự án bất động sản trong suốt nhiều năm qua, cung cấp ra thị trường hơn 50.000 sản phẩm, tạo dựng chốn an cư cho cộng đồng.
Với chiến lược kinh doanh mới của Tập đoàn Hưng Thịnh, năm 2019 Hưng Thịnh Land đảm nhận và tập trung việc đầu tư, phát triển và kinh doanh toàn bộ 100 dự án bất động sản, với quỹ đất trên 4.500 ha, mở ra một trang mới phát triển vượt trội. Theo đó, Ho Tram Complex chính là dự án đánh dấu mốc quan trọng của Hưng Thịnh Land trong vai trò và sứ mệnh mới. Với uy tín đã được khẳng định của Hưng Thịnh Land cũng như những thế mạnh sẵn có của dự án, Ho Tram Complex chắc chắn sẽ làm tăng nhiệt thị trường phía Nam sau giai đoạn khá trầm lắng vừa qua.
Theo Savills Hotells châu Á – Thái Bình Dương, sự phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam sau đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ theo mô hình chữ V, như đã từng diễn ra trước đó. Việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021. Nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ, tiếp sau đó là việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch của Việt Nam.
“Có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam một lần nữa sẽ trở thành một minh chứng điển hình về khả năng phục hồi sau đại dịch”, ông Mauro đánh giá.
T.TRẦN