Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội số ca mắc sốt xuất huyết ngày một ra tăng và đã ghi nhận ca tử vong do mắc sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, nguy cơ tử vong và biến chứng nặng cao nếu không được phát hiện và điều trị tốt. Diễn biến bệnh rất nhanh, biến chứng xuất hiện đột ngột có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp y tế. Đặc biệt, những trường hợp thừa cân, béo phì khi mắc sốt xuất huyết dễ khiến bệnh trở nặng, khó điều trị hơn so với người bình thường.
Sốt xuất huyết gây chảy máu.
Tại BV Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, trong số những ca bệnh nặng, các bác sĩ vừa cứu chữa thành công một trường hợp thừa cân, béo phì.
Bệnh nhân nữ (19 tuổi ở Hà Nội), nặng tới gần 160kg, nhập viện trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, hôn mê, khó thở tím môi, chỉ số bão hòa oxy mao mạch SpO2 là 75%…
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết kèm suy hô hấp và nhiễm khuẩn huyết tụ cầu.
Tiến sĩ Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, thể trạng bệnh nhân quá béo, lớp mỡ dày làm hạn chế co giãn lồng ngực, hạn chế thông khí phổi, tăng sức cản trở đường thở làm đẩy nhanh tình trạng suy hô hấp. Dù vậy, với trường hợp này, nếu đặt ống nội khí quản thì tiên lượng cai thở máy sẽ rất khó khăn. Bởi, cách đây một năm, bệnh nhân từng bị viêm phổi, phải thở máy và điều trị kéo dài 3 tháng. Do đó, sau khi cân nhắc, bệnh nhân được chỉ định thở ô xy qua mặt nạ (mask) và điều trị bằng kháng sinh. May mắn, cơ thể bệnh nhân đáp ứng tốt với kháng sinh và phác đồ điều trị. Kết quả, sau 10 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận điều trị nữ bệnh nhân (16 tuổi ở Tuyên Quang) mắc sốt xuất huyết với thể trạng thừa cân, béo phì với cân nặng hơn 60kg. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng phù nề, tiểu cầu giảm, suy thận… Hiện, bệnh nhân đã tỉnh táo, được cai máy thở...
Chuyên gia lưu ý, ở những người béo phì mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến biến chứng nặng. Người béo phì thuộc nhóm miễn dịch kém hơn và thường đi kèm các bệnh nền khác như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường..., dễ dẫn đến bội nhiễm, bệnh tiến triển nặng hơn, nên thời gian điều trị sẽ lâu, phức tạp hơn so với người bình thường.
Những dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết Dengue
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt, tay chân lạnh, ẩm, mệt lả, bứt rứt, biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Nôn ói nhiều, nôn ói kéo dài, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng. Với phụ nữ có thể chảy máu dù không phải kinh nguyệt hay rong kinh.
- Đường tiêu hóa bị xuất huyết. Lúc này sẽ có những dấu hiệu để nhận biết như: Đại tiện phân đen, đi ngoài phân lẫn máu.
- Nặng hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng. Những xuất huyết này có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
- Một số bệnh nhân còn bị tràn dịch màng phổi, màng bụng
- Ngoài ra, vào giai đoạn này có thể bị hạ huyết áp do máu bị cô đặc khi không bù đủ dịch.
- Nặng hơn có thể suy tạng như viêm não, viêm gan nặng, viêm cơ tim.
- Ngoài những triệu chứng trên nếu người bệnh có những dấu hiệu như: Đau bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, không đi tiểu trên 6 giờ, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết thì cần đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Ở giai đoạn này, người bệnh nên hạn chế đi lại, chỉ nên nằm nghỉ tại giường, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, oresol. Ăn lỏng, dễ tiêu, đảm bảo dinh dưỡng; thức ăn nên để nguội, không quá nóng. Không ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh bị nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa. Không đánh răng; Súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng. Đi vệ sinh không chốt cửa, thay đổi tư thế cần có người trợ giúp. Khi điều trị ngoại trú, người bệnh cần được theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc tình trạng bệnh không được cải thiện. Lúc này cần đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế.
DIỆU THU