Các quan chức Nga tin rằng Đảng Dân chủ có kế hoạch thay đổi chính sách không can thiệp vào cuộc xung đột Syria của ông Donald Trump.
Vào thứ Hai, ngày 11/1, một tàu đổ bộ lớn Saratov đã đi qua eo biển Bosphorus hướng về phía căn cứ của Nga ở Tartus.
Theo Interfax, con tàu này đã đi vào Biển Địa Trung Hải, nơi đặt căn cứ của hải đội với hơn 10 tàu chiến và tàu hỗ trợ của Nga.
Vào cuối tháng 12, một tàu đổ bộ lớn khác của Nga là Novocherkassk cũng đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu Novocherkassk cùng với các tàu khác của Hạm đội Biển Đen, cung cấp vũ khí và vật tư cho quân đội Nga và quân đội chính phủ Syria.
Mỹ cũng đang tăng cường cung cấp vũ khí cho các lực lượng đối lập Syria. Theo hãng thông tấn SANA của Syria, cuối tuần qua, một đoàn xe lớn của liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng với lực lượng không quân, đã đến Tây Bắc Syria mang theo hàng hóa quân sự và hậu cần cho căn cứ ở Deir ez-Zor.
Nguồn tin của SANA cho hay, đoàn xe gồm 30 xe chở vũ khí hạng nặng, bao gồm súng và xe tăng, đã đến Syria qua cửa khẩu Al-Hasakah ở biên giới với Iraq.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, người sẽ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ vào ngày 20/1, đã chỉ trích chính sách rút quân khỏi Syria của ông Trump.
Ông Biden nói rằng việc ông Trump từ chối hỗ trợ các lực lượng chống lại chính quyền ông Assad đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria và cho Nhà nước Hồi giáo "một cuộc sống mới".
"Những lực lượng người Kurd và Ả Rập dũng cảm đó đã phải trả một cái giá đắt. Đánh bại ISIS và quân đội, họ mất hơn 10.000 binh sĩ. Nghe tôi không? Mười nghìn. Mười nghìn người đã chết. Họ đã hy sinh", ông Biden cho biết.
Dưới sự thay đổi của chính quyền Mỹ, đội ngũ tương đối nhỏ của Mỹ ở Syria có thể được mở rộng và giao cho các nhiệm vụ mới như ngăn chặn Nga và bảo vệ các đồng minh người Kurd, Alexander Aksenenok, Phó chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, lưu ý.
Tuy nhiên, chính sách của Washington đối với Syria sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển của quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, cũng như việc liệu Mỹ có quay lại bàn đàm phán với Iran hay không. Chuyên gia Aksenenok tin rằng, các bước tiến tới bình thường hóa quan hệ với Tehran sẽ đưa Mỹ đến gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo khoảng cách với Israel và Saudi Arabia, và ngược lại.
Nếu kịch bản đầu tiên xảy ra, có thể căng thẳng sẽ leo thang ở miền Nam Syria, nơi chịu ảnh hưởng lớn Israel và Ả Rập Saudi. Ông Aksenenok nói căng thẳng cũng có thể xảy ra ở khu vực thứ hai, phía tây bắc, nơi Ankara bộc lộ tham vọng.
Nga tăng cường hiện diện
Quân đội Nga tăng cường đáng kể sự hiện diện của họ ở miền Bắc Syria bằng cách xây dựng một cơ sở quân sự mới ở đây. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp cản trở lớn. Bất chấp sự hỗ trợ của Damascus, cư dân vùng Malikia (khu vực Đông Bắc Syria) tuyên bố họ sẽ không cho phép quân đội Nga hiện diện bên trong lãnh thổ này.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông người Kurd cho hay, cư dân khu vực Malikia đã từ chối không cho phép quân đội Nga xây dựng căn cứ mới ở Đông Bắc Syria vì họ lo ngại quân đội Nga có thể chiếm giữ các mỏ dầu nằm ở đây, mặc dù trên thực tế, người dân địa phương đang tích cực buôn lậu dầu của đất nước họ sang nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp cho nhu cầu của Mỹ.
Các chuyên gia quân sự tin rằng, sự phản đối của người dân Đông Bắc Syria là do áp lực từ Mỹ, vì Washington cũng đang cố gắng giành chỗ đứng ở khu vực này của nước Cộng hòa Ả Rập, họ sợ sẽ mất quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Syria.
Hiện giới chức quân đội Nga ở Syria chưa đưa ra bình luận gì liên quan đến những thông tin trên.