Bầu cử Mỹ 2020: Người thắng cuộc sẽ thay đổi chính sách Đông Nam Á thế nào?

Bầu cử Mỹ 2020: Người thắng cuộc sẽ thay đổi chính sách Đông Nam Á thế nào?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 25/09/2020 14:01

Tại Đông Nam Á, các nhà phân tích tin rằng, căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tan biến nếu cuộc đua vào Nhà Trắng ông Joe Biden giành phần thắng. Mọi việc vẫn còn ở phía trước, song tính hấp dẫn của cuộc đua vào Nhà Trắng chính là những phân tích và dự báo “trên đường đua” để rồi tất cả đều ngã ngửa vào phút cuối…

Tiêu điểm - Bầu cử Mỹ 2020: Người thắng cuộc sẽ thay đổi chính sách Đông Nam Á thế nào?

Căng thẳng Mỹ-Trung khiến các nước Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng.

Những phân tích và dự báo

Dự báo này xuất phát từ nhận định cho rằng, chính lập trường mang tính quyết đoán của ông Trump là nguồn cơn dẫn đến sự cạnh tranh Mỹ-Trung thời gian qua. Trong khi đó, một nhân vật nòng cốt dưới thời Barack Obama như ông Joe Biden sẽ khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc trở nên “dễ thở” hơn. Đồng thời, nếu lên nắm quyền ông Joe Biden  được cho là sẽ mang đến những chính sách tích cực hơn ở châu Á.

Còn hơn một tháng nữa bầu cử Mỹ mới diễn ra, nhưng ứng cử viên Biden vẫn đang giữ vững lợi thế khi vượt trước ông Trump trong nhiều cuộc thăm dò. Điều này đã dẫn đến những nhận định về những gì sẽ thay đổi đối với các quốc gia Đông Nam Á nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng.

Một cuộc khảo sát trong chính phủ, doanh nghiệp và giới truyền thông Đông Nam Á do viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore thực hiện hồi tháng 1 cho thấy, 60% người được hỏi tin rằng Mỹ sẽ là đối tác chiến lược tốt hơn trong khu vực nếu có sự thay đổi về người lãnh đạo trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.

Nhưng dưới quan điểm của giới phân tích, ngay cả với những người lạc quan nhất cũng không cho rằng việc ông Joe Biden trở thành tổng thống mới sẽ mang lại những bước ngoặt giúp tình hình được xoa dịu.

Các nhà quan sát ngoại giao nhận định, nguy cơ xảy ra "chiến tranh nóng" giữa hai cường quốc hay căng thẳng trên biểnvà tác động dai dẳng của chiến tranh thương mại sẽ không sớm biến mất.

Giải thích cho lý do này, nhà ngoại giao cấp cao người Singapore Bilahari Kausikan đánh giá, “cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn giản chỉ là vấn đề liên quan đến ông Trump”. Theo ông, đây là đặc điểm cấu trúc trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như là một đặc điểm cấu trúc trong quan hệ quốc tế. Nó sẽ không dễ thay đổi chỉ bằng cách thay đổi con người.

Nói với tờ SCMP, một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên cho biết, có quan điểm đồng thuận ở đất nước ông tin rằng, phần lớn các chính sách của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc sẽ được ông Biden giữ lại nếu đắc cử tổng thống. Nhà ngoại giao này cũng nói thêm rằng, Đông Nam Á sẽ tiếp tục chịu đựng những ảnh hưởng tiêu cực chừng nào Mỹ và Trung Quốc còn đối đầu căng thẳng.

Pou Sothirak, cựu đại sứ Campuchia tại Nhật Bản và là cố vấn chính sách đối ngoại chính phủ bày tỏ hy vọng Washington sẽ tìm cách xây dựng quan hệ hợp tác có lợi ở Đông Nam Á thay vì chỉ tìm đến họ thông qua lăng kính cạnh tranh với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á cũng đưa ra quan điểm về những thay đổi mà họ hy vọng sẽ được nhìn thấy trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau ngày 3/11.

“Yêu cầu lớn trước tiên là Washington phải ổn định quan hệ với Trung Quốc để Đông Nam Á có được môi trường an toàn, dễ nắm bắt, nơi chúng tôi có thể phát triển kinh tế và tự chủ cuộc sống của mình”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trong một cuộc phỏng vấn với Hội đồng Atlantic của Mỹ vào tháng 7. Tiếp theo, ông hy vọng chính quyền mới sẽ phát triển "sự đồng thuận của lưỡng đảng" về chính sách châu Á.

Yêu cầu cuối cùng của ông Lý là Mỹ "tìm cách quay trở lại" Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại châu Á - Thái Bình Dương vốn được cựu Tổng thống Barack Obama mở rộng. Tổng thống Trump đã từ bỏ TPP chỉ trong vòng vài ngày sau khi nhậm chức vào năm 2016, cho rằng hiệp định này làm tổn hại đến người lao động Mỹ.

Cán cân nghiêng về ai?

Tiêu điểm - Bầu cử Mỹ 2020: Người thắng cuộc sẽ thay đổi chính sách Đông Nam Á thế nào? (Hình 2).
Chính quyền Trump nhấn mạnh rằng cam kết của ông đối với khu vực cần được đánh giá dựa trên lập trường chính sách vốn có của Mỹ.

Ở những nơi khác trong khu vực, một số nhà bình luận đã đánh giá tác động của cuộc bầu cử Mỹ - đặc biệt là chiến thắng của ông Joe Biden - đối với lợi ích của từng quốc gia.

Tại Thái Lan, nhà bình luận ngoại giao Kavi Chongkittavorn trong một bài viết trên tờ Bangkok Post ngày 8/9 nhận định, có khả năng chính sách của ông Biden đối với khu vực sẽ phản ánh chính sách của nhà lãnh đạo cũ – Barack Obama.

Ông trích dẫn các đoạn trong cương lĩnh của đảng Dân chủ, được coi là tuyên ngôn chính trị của ông Biden, tuyên bố rằng Mỹ sẽ tăng cường các liên minh ở châu Á. Cụ thể hơn ở Đông Nam Á, Thái Lan và Philippines là hai đồng minh hiệp ước của Washington. "Nếu ông Biden đắc cử tổng thống, liên minh Mỹ-Thái sẽ được tăng cường thêm”, Kavi nêu quan điểm.

Những tranh luận khác về bầu cử Mỹ còn liên quan đến thước đo cơ bản mà các quốc gia Đông Nam Á sử dụng để xác định sự quan tâm của các cường quốc bên ngoài – đó là việc lãnh đạo Mỹ tham dự các sự kiện ngoại giao quan trọng.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump chỉ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) một lần vào năm 2017. Năm 2018, ông Trump cử Phó Tổng thống Mike Pence tới EAS ở Singapore, trong khi phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị năm ngoái tại Thái Lan do Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu.

Ngược lại, Tổng thống Obama đã tham dự mọi hội nghị thượng đỉnh từ năm 2011 đến năm 2016, ngoại trừ sự kiện năm 2013 khi Chính phủ Mỹ đóng cửa do bế tắc chính trị.

"Hơn bất cứ điều gì, tổng thống tiếp theo sẽ cần phải xuất hiện tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực, một tín hiệu quan trọng về cam kết khu vực của Washington", Hunter Marston, chuyên gia về cạnh tranh quyền lực lớn ở Đông Nam Á viết trong bài xã luận hôm 11/9.

Về phần mình, chính quyền Trump nhấn mạnh rằng cam kết của ông đối với khu vực cần được đánh giá dựa trên lập trường chính sách vốn có của Mỹ.

Ở một khía cạnh riêng biệt, Mỹ cũng tăng cường viện trợ cho các nước Đông Nam Á bị hạn hán ở hạ lưu sông Mekong, với khoảng 153 triệu USD được công bố trong các cuộc họp ASEAN hồi đầu tháng 9.

Phát biểu sau cuộc họp, quan chức phụ trách khu vực Đông Á của bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington không có lợi ích gì trong việc buộc khu vực này phải lựa chọn một trong hai bên trong căng thẳng Mỹ-Trung.

Nhưng một số tinh hoa chính trị trong khu vực – vốn không thích sự khó lường và thiếu nhất quán của ông Trump - đã báo hiệu rằng họ sẽ thích Joe Biden hơn mặc dù biết rằng chiến thắng của ông cũng chưa chắc mang lại thay đổi mạnh mẽ trong chính sách Đông Nam Á của Washington.

Anwar Ibrahim, lãnh đạo phe đối lập Malaysia khi được hỏi về ai là người chiến thắng đã trả lời: “Joe Biden. Vì ông ấy là bạn của tôi”.

Chính trị gia này cũng có chung quan điểm với nhiều người khác, khi nói rằng cuộc bầu cử Mỹ trên thực tế ít nhiều sẽ giảm bớt những tác động rắc rối Đông Nam Á khi đối mặt với sự cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ-Trung.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.