Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã tăng cường hướng dẫn về bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox), kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi các ca nhiễm virus gây bệnh này trên toàn cầu vượt qua ngưỡng 1.000.
CDC Mỹ đã nâng cảnh báo lên mức 2 hôm 6/6, khuyến khích mọi người “thực hành các biện pháp phòng ngừa tăng cường” để ngăn chặn sự bùng phát, vốn trong tháng qua đã lan sang 29 quốc gia nơi đậu mùa khỉ không phải bệnh lưu hành. Cảnh báo cấp cao nhất - cấp 3 - sẽ đặt ra hạn chế đối với việc đi lại không thiết yếu.
Mặc dù CDC Mỹ cho biết nguy cơ đối với công chúng vẫn ở mức thấp, nhưng cảnh báo cao độ khuyến khích mọi người tránh tiếp xúc gần với người bệnh, bao gồm cả những người bị tổn thương da hoặc bộ phận sinh dục, cũng như động vật bị bệnh hoặc chết.
Cơ quan này cũng kêu gọi những người có các triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như phát ban hoặc tổn thương da không rõ nguyên nhân, tránh tiếp xúc với người khác và liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ, với các triệu chứng bao gồm phát ban, sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy và đau lưng.
Nó thường là bệnh lưu hành ở các nước Trung và Tây Phi, nhưng đợt bùng phát gần đây trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Australia đã khiến các chuyên gia y tế bối rối và làm gia tăng lo ngại về sự lây lan trong cộng đồng.
Tính đến 6/6, 1.019 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 29 quốc gia, theo CDC Mỹ.
Vương quốc Anh đã ghi nhận nhiều ca bệnh nhất cho đến nay, với 302 ca bệnh được xác nhận và nghi ngờ. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 198 ca, Bồ Đào Nha với 153 ca và Canada với 80 ca.
Các chuyên gia y tế đã tìm kiếm manh mối về nguồn gốc của đợt bùng phát, trước đây có liên quan đến việc đi du lịch tới các quốc gia nơi lưu hành bệnh.
Trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh đậu khỉ cho biết hôm 1/6 rằng virus gây bệnh này có thể đã lây lan mà không bị phát hiện tại các quốc gia không có dịch trong “vài tuần, vài tháng hoặc có thể vài năm qua”.
Phát hiện 2 biến chủng ở Mỹ
Cho đến gần đây, đợt bùng phát hiện tại được cho là bắt nguồn từ chủng virus Tây Phi, gây bệnh ít nghiêm trọng hơn các biến thể khác và có tỉ lệ tử vong là 1%.
Tuy nhiên, CDC Mỹ cho biết hôm 3/6 rằng ít nhất 2 biến thể bệnh đậu mùa khỉ khác biệt về mặt di truyền hiện đang lưu hành ở Mỹ, làm tăng thêm sự nhầm lẫn của các chuyên gia y tế. Cho đến nay, Mỹ đã báo cáo hơn 30 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
“Mặc dù các biến thể giống nhau, nhưng phân tích di truyền của chúng cho thấy chúng không có liên hệ với nhau”, Jennifer McQuiston, Phó giám đốc Bộ phận Các mầm bệnh gây hậu quả cao và bệnh học của CDC Mỹ, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 3/6.
Bà McQuiston cho biết, có khả năng 2 biến chủng này xuất phát từ 2 trường hợp nhiễm bệnh khác nhau, với một trường hợp là virus lây lan từ động vật sang người ở châu Phi, và trường hợp kia là virus lây lan qua tiếp xúc giữa người với người.
Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đều nhẹ, thường khỏi trong vòng 2-4 tuần, Mỹ cho biết hôm 6/6 rằng họ có 36.000 liều vắc-xin phù hợp, sẽ dành cho những người có nguy cơ phơi nhiễm với virus đậu mùa khỉ.
Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Anh và Tây Ban Nha, đã công bố các biện pháp tương tự để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Nhiều ca bệnh có thể không bị phát hiện
Theo chuyên gia, nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ không bị phát hiện vì các biểu hiện của căn bệnh này trông khác với những gì được mô tả trong sách giáo khoa y khoa.
Tiến sĩ Donald Vinh, tại Đại học McDill, người đã trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, cho biết các nốt ban đậu mùa khỉ thường được minh họa trong sách là những tổn thương rất khủng khiếp trên da, và các nốt ban này thường bao phủ khắp cơ thể bệnh nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, Tiến sĩ Vinh cho biết, ông gặp các trường hợp nốt ban rất khu trú, và đôi khi chỉ ở vùng sinh dục.
“Ý tôi là, nó cực kỳ tinh vi. Nó không phải là những gì bạn thấy trên Google về bệnh đậu mùa khỉ”, Tiến sĩ Vinh giải thích. “Và điều này hơi đáng lo ngại khi những tổn thương nhỏ như tổn thương da và dễ lây lan lại dễ bị bỏ sót”.
Các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán nhầm những trường hợp này với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường, chẳng hạn như herpes hoặc giang mai, Tiến sĩ Vinh nhận định.
Minh Đức (Theo CNBC, Digital Journal)