Bí ẩn cuộc “đào tẩu trên trời” trong vụ không tặc ly kỳ nhất lịch sử Mỹ

Bí ẩn cuộc “đào tẩu trên trời” trong vụ không tặc ly kỳ nhất lịch sử Mỹ

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 3, 19/05/2020 13:58

Ôm 200.000 USD cùng chiếc dù lẹ làng nhảy ra không trung từ đuôi máy bay 727, Dan Cooper thách thức mọi nỗ lực tìm kiếm của cơ quan thực thi pháp luật cũng như những nhà điều tra nghiệp dư suốt gần nửa thế kỷ. Lời giải về kết cục của kẻ không tặc vẫn còn là ẩn số giữa muôn trùng những hài bi.

Nửa thế kỷ thách thức mọi nhà điều tra

Chiều 24/11/1971, Dan Cooper đến quầy bán vé của hãng Hàng không Northwest Orient tại tiểu bang Oregon, Mỹ mua vé một chiều trên chuyến bay số hiệu 305 tới thành phố cảng Seatle, phía Tây bang Washington. Thế giới đâu ngờ rằng một kỳ án chưa thể giải quyết trong lịch sử hình thành và phát triển của cục Điều tra liên bang Mỹ - FBI mở ra từ đây.

Bước lên chuyến bay với dáng vẻ trầm lặng trong bộ vest công sở cùng cà vạt đen, sơ mi trắng, người đàn ông da ngăm cao 1 mét 8, nặng 80kg đi thẳng đến ghế số 727 và ngồi uống whistkey. Dan Cooper không gây sự chú ý đặc biệt nào cho đến khi hắn vẫy nữ tiếp viên Florence Schaffner đến gần và đưa tờ giấy ghi dòng chữ: “Trong cặp tôi có quả bom. Tôi muốn cô ngồi cạnh tôi”.

Hồ sơ - Bí ẩn cuộc “đào tẩu trên trời” trong vụ không tặc ly kỳ nhất lịch sử Mỹ

Chân dung Dan Cooper được cảnh sát phác họa. 

Schaffner thực hiện y lệnh. Dan Cooper lại dõng dạc đưa ra yêu cầu: 200.000 USD và 4 chiếc dù, giao tại sân bay Sea-Tac. Và trong khi, cảnh sát cùng nhân viên hàng không ở sân bay khẩn trương đóng gói tiền, phi công cho máy bay lượn vòng trên bầu trời Seattle, hành khách chỉ nhận được thông tin máy bay gặp sự cố cơ học nhỏ nên chuyến bay kéo dài thêm 30 phút.

Sau hơn 3 tiếng lượn vòng trên không, chiếc 727 cuối cùng đã hạ cánh. Nhận được tiền và dù, Dan Cooper đuổi 36 hành khách cùng 2 trong số 6 thành viên phi hành đoàn ra khỏi máy bay. Chiếc 727 tiếp nhiên liệu và bay thẳng đến điểm đến nơi mà kẻ không tặc yêu cầu: Mexico. Tuy nhiên, đang giữa đường bay, Dan Cooper đã hạ cầu thang phía sau máy bay và nhảy ra không trung. Không lâu sau đó các phi công đã cho hạ cánh máy bay an toàn, nhưng Dan Cooper đã biến mất bí ẩn trong màn đêm.

Manh mối ít ỏi

Việc Dan Cooper yêu cầu phải trao cho hắn tiền mệnh giá 20 USD với số seri là chữ số ngẫu nhiên cũng như việc hắn chỉ nhận các bọc tiền từ tiếp viên hàng không khiến các nhà điều tra gặp khó trong việc lần theo dấu vết vụ việc. 

Dẫu vậy, Dan Cooper cũng để lại vài dấu vết ít ỏi: Vài mẩu thuốc lá, một sợi tóc trên phần tựa đầu của ghế máy bay cùng một chiếc cà vạt. Tuy nhiên, FBI không thể lấy được dấu vân tay từ các vật phẩm.

Tiến hành phân tích chiếc cà vạt bằng kính hiển vi, các nhà điều tra phát hiện các hạt ceri, strontium sulfide và titan tinh khiết trong kẹp cà vạt. Những nguyên tố thường chỉ có trong các nhà máy hàng không vũ trụ này mở ra nghi vấn Dan Cooper có thể là nhân viên của hãng Boeing và đeo chiếc cà vạt nói trên khi làm việc. Dẫu vậy, nghi vấn vẫn chỉ là nghi vấn.

Khi những hy vọng về việc tìm thấy bằng chứng vụ việc gần như đã dập tắt bất ngờ năm 1980, cha mẹ cậu bé 8 tuổi Brian Ingram trao cho cảnh sát tập tiền tổng trị giá 5,800 USD con trai nhặt được ở bờ sông tại Washington. FBI vui mừng nhận ra số seri tiền trùng khớp với số seri ở tiền trao cho Dan Cooper. Dẫu vậy, chẳng kết quả khả quan nào có được từ manh mối này.

Kỳ án bi hài

Một chuyên án mang tên NORJAKA được FBI mở ra sâu rộng, ròng rã suốt nhiều năm để giải mã cho cuộc đào tẩu của kẻ không tặc. Để tìm Dan Cooper, các đặc vụ FBI đã theo dõi hàng ngàn đối tượng và thẩm vấn đến 800 người gồm cả nhân chứng, người bị tình nghi suốt 5 năm sau vụ việc trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, tất cả đã được loại bỏ khỏi vòng nghi vấn nhanh chóng.

Giữa lúc bế tắc, các bức thư ký tên DB Cooper đã gửi về cho FBI từ nhiều nơi khác nhau khắp nước Mỹ. Một trong số đó viết rằng: "Xin hãy nói cho cảnh sát biết, DB Dan Cooper không phải tên (thật) của tôi".

Sau nhiều lần giải mã cũng như liên hệ địa chỉ gửi, mọi nghi ngờ dẫn về một người đầy tai tiếng có tên Robert Rackstraw. Nhân vật này là một cựu chiến binh từng phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ. 

Bảy năm sau vụ cướp, Rackstraw bắt đầu bị cảnh sát để ý vì có quá nhiều thứ trùng hợp với DB Cooper. Rackstraw bị cáo buộc lừa đảo ngân phiếu, khi bị bắt thì... bỏ trốn sang Iran để dạy lái trực thăng. Cùng lúc, cảnh sát lục soát nhà Rackstraw, tìm thấy 14 cây súng trường với gần 70kg thuốc và nghi án nhân vật này sát hại cha dượng.

Không chỉ vậy, Rackstraw còn lái máy bay giả vờ lao xuống vịnh Monterey, bang California để ngụy tạo cái chết của mình. Mưu mô gian xảo và sở hữu nhiều kỹ năng lẫn tính cách của một tên không tặc khét tiếng khiến Rackstraw trở thành kẻ tình nghi. Dẫu vậy, FBI vẫn chỉ “đứng xa mà nhìn” bởi không có bằng chứng cụ thể nào. Người bị tình nghi số 1 trong vụ án Dan Cooper này đã trút hơi thở cuối cùng hôm 9/7/2019.

Một kẻ tình nghi khác cũng lọt vào tầm ngắm của FBI trong suốt nhiều năm là Richard McCoy, Jr. Ngày 7/4/1972, Richard dùng tên giả để lên chuyến bay Newark-Los Angeles. Ngay sau khi máy bay cất cánh, người đàn ông này đưa cho tiếp viên tờ giấy đòi chu cấp khoản tiền 500.000 USD cùng 4 chiếc dù. Nếu yêu cầu này không được đáp ứng, kẻ không tặc sẽ kích nổ bom trong máy bay.

Chiếc 727 hạ cánh và tiếp nhiên liệu, kẻ không tặc nhận tiền mặt, dù sau đó trên đường bay tiếp theo hắn nhảy dù ra khỏi máy bay từ cầu thang phía sau. Kịch bản này dường như lặp lại những gì Dan Cooper đã làm khiến nhiều người nghi rằng thủ phạm cùng là một người. Richard nhận bản án tù 45 năm cho vụ việc này nhưng không có bằng chứng nào cho thấy hắn là Dan Cooper. 

Việc Dan Cooper mất tích bí ẩn khiến vụ không tặc trở nên nổi tiếng. Ít nhất 12 người từng công khai hoặc kín đáo tự nhận mình là Dan Cooper. Tuy nhiên, không ai được cảnh sát xác nhận là Dan Cooper. Thậm chí, FBI đã từng treo thưởng 100.000 USD cho bất kỳ ai đưa ra một tờ 20USD có seri trùng khớp như FBI chụp lại. Nhưng cho đến nay, món tiền thưởng khổng lồ này vẫn chưa tìm được chủ nhân.

Sau vụ không tặc của Dan Cooper năm 1971 và hàng chục vụ bắt chước sau đó, an ninh hàng không Mỹ đã được siết chặt. Lực lượng an ninh Mỹ bắt đầu yêu cầu soi chiếu hành lý và kiểm tra cơ thể hành khách. Máy bay thương mại cũng dần không còn gắn cầu thang lên xuống mà thay bằng cầu thang di động đặt ở sân bay. Hàng không Mỹ cũng bắt buộc trên cửa buồng lái có những lỗ nhỏ để phi công có thể quan sát tình hình trong khoang chở khách.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.