Không phải xương rồng, cũng chẳng phải hoa chuối, đây là một loài thực vật kỳ lạ mang tên “tỏa dương”, sinh trưởng trên những vùng sa mạc khắc nghiệt. Chúng thuộc chi thực vật duy nhất trong họ Nấm Tỏa dương, nhưng không phải nấm thực sự.
Trên cây không có chất diệp lục nên chúng không có màu xanh quen thuộc mà mang màu nâu đỏ. Tuy nhiên, chính màu sắc rực rỡ này lại giúp người ta dễ dàng săn lùng chúng trên sa mạc.
Phần rễ ký sinh của chúng bám vào các mầm tỏa dương. Những mầm này có hình dạng gần giống hình cầu. Sau đó chúng sẽ dần trở thành hình tròn hoặc hình trụ. Cuối cùng sẽ có một ít rễ xơ và các lá dạng vảy ngược.
Loài “quái cây” này thường có chiều cao trên 15cm. Một số cây cá biệt có thể cao tới 100cm. Phần lớn thân của chúng sẽ vùi trong cát.
Thời kỳ ra hoa của cây là từ tháng 5 đến tháng 7. Hoa dài 3-6 mm và các sợi tương đối ngắn. Thời kỳ đậu quả từ tháng 6 đến tháng 7. Quả rất nhỏ, gần như hình cầu hoặc hình bầu dục, chỉ dài 1 mm và đường kính 0,4-1 mm. Vỏ có màu trắng và hạt ở dạng gần giống hình cầu, màu đỏ sẫm.
Điều kỳ lạ là dù có ngoại hình thô kệch, xấu xí nhưng tỏa dương lại mà mặt hàng đem lại giá trị kinh tế khá tốt. Tại Trung Quốc, 1kg tỏa dương có thể bán với giá hơn 40 NDT, tương đương hơn 130.000đ/kg. Ngoài ra, chúng còn xuất hiện tại một số nước Trung Á và Tây Nam Á.
Những người thu mua tỏa dương thường dùng chúng làm dược liệu. Theo từ điển bách khoa toàn thư về dược liệu của Trung Quốc xưa, người ta chỉ cần bỏ đi phần cuống hoa của chúng là có thể dùng làm thuốc. Ngoài ra, phần cuống của chúng rất giàu tannin nên có thể dùng để chiết xuất tannin. Tỏa dương cũng có thể dùng để nấu rượu nên giá trị của chúng là điều không phải bàn cãi. Chưa kể, số lượng tỏa dương khá ít ỏi so với nhu cầu trên thị trường. Do đó không phải ai cũng có thể may mắn tìm mua được chúng.
Tại Việt Nam cũng có cây tỏa dương nhưng là loại thường mọc gửi trên gốc những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp. Chúng thường được tìm thấy ở Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai… Những loại này cũng có thể dùng làm thuốc.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)