"Bí kíp" của người đem hạnh phúc cho những người hiếm muộn

Thứ 5, 14/02/2013 | 15:40
0
Lần đầu tiên, người đem đến hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn bộc lộ trước dư luận về "bí kíp" làm nghề và niềm xúc cảm khi trở thành người mẹ "bất đắc dĩ" của hơn 200 đứa trẻ.

Chị là BS.TS Tô Minh Hương, trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người đang được ví là "giàu có" tốp đầu trong ngành sản khoa Việt Nam.

Người phụ nữ "giàu"... "của để dành"

BS.TS Tô Minh Hương sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề "trồng người", với hình ảnh người cha, người thầy luôn dạy chị cách yêu thương con người. Nghề y cũng là nghề cứu người, rất nhân văn, nhưng là bác sĩ của những người hiếm muộn thì dường như là một chữ duyên.

Chị nhớ lại: Khi đi thực tập ở các bệnh viện, sản khoa chưa bao giờ là chuyên ngành hấp dẫn cả. Chỉ đến khi, trong gia đình chị có một người rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn nhưng được BS Lương Thị Ngọc Bích - Giám đốc đầu tiên của bệnh viện Phụ sản Hà Nội chữa và sinh con, chị mới chọn ngành sản khoa và đó là một bước ngoặt đối với cuộc đời chị.

Hình ảnh cháu bé được sinh ra đầu tiên của bệnh viện vào những năm 1979 trước bài thuốc thần kỳ của BS Bích đã trở thành động lực để chị lựa chọn con đường gian nan, đầy thử thách để đồng hành cùng những gia đình hiếm muộn. Sau gần 30 năm gắn bó với chuyên ngành sản và đặc biệt với những người không may mắn vì bị hiếm muộn, chị luôn tự nhận mình là người hạnh phúc nhất.

Bởi vì, mỗi đứa trẻ sinh ra ở gia đình hiếm muộn là niềm hạnh phúc được nhân lên gấp nhiều lần. Chị thường đùa: "Nếu người ta gọi con cái là "của để dành" thì chị là người giàu có lắm. Bởi vì chị đã tạo ra nhiều "của để dành" để ban tặng cho những gia đình hiếm muộn khác".

Xã hội - 'Bí kíp' của người đem hạnh phúc cho những người hiếm muộn

BS.TS Hương đón nhận hạnh phúc cùng một gia đình trong năm 2007. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khoa Hỗ trợ sinh sản “sinh sau đẻ muộn” nhưng phát triển nhanh, nhớ lại những ngày đầu khó khăn, chị Hương kể: Vào năm 2003-2004, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Huy Bạo rất trăn trở làm sao xây dựng được chuyên khoa mũi nhọn về hỗ trợ sinh sản của những người hiếm muộn nhưng do bệnh viện còn nghèo, không có đủ kinh phí để thực hiện ước mơ cháy bỏng đó.

Ước mơ đành gác lại, cùng bao nỗi niềm trăn trở, còn đang dang dở. Không ngại khó, ngại khổ, chị cùng ban giám đốc bệnh viện đi gõ cửa khắp nơi và tìm được đối tác là bộ môn Mô phôi của trường đại học Y Hà Nội. Họ hỗ trợ bệnh viện từ trang thiết bị, máy móc xét nghiệm đến nhân tố con người.

"Năm đó, Hà Nội xuất hiện cơn mưa đá, nhiều BS, kỹ thuật viên vẫn  bất chấp khó khăn, thậm chí mang trên mình thương tích để kịp lịch chọc trứng, cấy phôi cho bệnh nhân. Sau 5 năm phôi thai, khoa Hỗ trợ sinh sản hình thành và phát triển cho đến ngày nay.

Khoa có thể thực hiện thành công tất cả các kỹ thuật hiện đại trong hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng đã lọc rửa buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển, bơm tinh trùng vào tương noãn, chọc hút mào tinh, đông tinh, đông phôi, giảm thai. Đến nay, khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện Phụ sản Hà Nội trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều người hiếm muộn tìm đến", chị nhớ lại.

Tuy nhiên, theo chị Hương, thành công được ở chuyên ngành này chính là yếu tố con người, cùng với sự kiên trì, nhẫn nại và yêu nghề thật sự của các y bác sĩ nơi đây.

Hạnh phúc là khi đón tiếng khóc chào đời

Là người gắn bó đầu tiên của khoa Hỗ trợ sinh sản, BS.TS Tô Minh Hương có nhiều kỷ niệm buồn vui với người bệnh. Chị vui khi mỗi cặp vợ chồng đến với mình có kết quả. Chị buồn và đồng cảm với mỗi ca khó, để rồi hàng đêm thức trắng bên bàn xét nghiệm mong "còn nước còn tát", tạo niềm vui cho người bệnh. Nhiều lúc, chị bật khóc khi nghe mẹ nào đó buồn rầu thông báo sẩy thai, kết quả không như mong đợi...

Đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ về kỷ niệm về một người phụ nữ chung thủy đến với khoa từ những ngày đầu thành lập. Lần đầu thụ tinh không thành công, lần 2 thì chửa ngoài dạ con, lần thứ 3 có kết quả nhưng số phận thật trớ trêu, thai lại nằm ngoài cổ tử cung.

Dù được chị khuyên tới các cơ sở khác nhưng người phụ nữ này vẫn một lòng, một dạ với BS.TS Tô Minh Hương và quyết tâm thực hiện ca thụ tinh lần thứ 4. "Đó là niềm an ủi rất lớn đối với tôi, vì người bệnh tin tưởng vào bác sĩ. Tuy tỷ lệ thành công của ca thụ tinh chỉ chiếm có 30% nên giờ chúng tôi vẫn đang chờ tin vui mới nhất của cô gái đó", chị Hương tâm sự.

Chỉ vào bức ảnh một gia đình quân nhân hạnh phúc, với người mẹ già và vợ chồng, 2 đứa con chị cười hạnh phúc. Đây là một gia đình chị không bao giờ quên, họ là một cặp vợ chồng (quê Thanh Hóa) nhưng nghe danh tiếng của chị đã tìm đến. Người chồng là bộ đội đóng quân ở Bắc Giang, người vợ dạy học nơi quê nhà.

Lấy nhau được 9 năm mà không có tin vui vì người vợ mắc hội chứng quá khích buồng trứng với triệu chứng tràn dịch ở phổi và bụng mỗi khi mang thai. Nhìn cảnh người phụ nữ đó nằm ở phòng mổ dưỡng thai, như niềm ám ảnh đối với chị Hương: "Dù mình đã đem lại hạnh phúc cho gia đình là người phụ nữ có thai nhưng chị ấy phải đổi cả mạng sống của mình thì rất là lo âu và thương cảm. Thời gian đếm từng ngày, sau 1 tháng điều trị tích cực, người phụ nữ được chỉ định mổ đẻ, bắt con. Chúng tôi báo cho người chồng nhưng anh ấy không kịp về đón mẹ tròn con vuông với một cặp song sinh: Một trai, một gái".

Những bằng khen, giấy khen, huân huy chương không phải là mục tiêu chị đặt ra cho mình mà những nụ cười hạnh phúc của người cha, giọt nước mắt của người mẹ, tiếng khóc trẻ thơ của gia đình hiếm muộn mới là phần thưởng xứng đáng nhất, đáng trân trọng nhất mà chị nhận được. Gia tài lớn nhất của chị hiện nay là những bức ảnh của những đứa trẻ được sinh ra thành công từ khoa Hỗ trợ sinh sản này. Nhiều lắm, những bức ảnh như cuốn nhật ký kể lại niềm hạnh phúc khi con chào đời, khi con chập chững những bước đi đầu tiên được các gia đình gửi tặng BS.TS Tô Minh Hương, đó  là món quà vô giá đối với chị.

Xã hội - 'Bí kíp' của người đem hạnh phúc cho những người hiếm muộn (Hình 2).

BS.TS Tô Minh Hương bên một cuốn nhật ký "hạnh phúc".

Người đồng hành cùng gia đình hiếm muộn

Những ngày cuối năm dường như gặp chị rất khó, bởi toàn bộ thời gian chị đều dành cho công việc. Chị luôn ước một ngày có hơn 24 giờ để chị có thể làm việc được nhiều hơn nữa. Dù bận rất nhiều việc nhưng chị vẫn dành thời gian cho từng bệnh nhân, hỏi han, tư vấn, chăm sóc. Nhiều lúc bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân níu chân chị lại hỏi điều thầm kín hoặc những thắc mắc về phương pháp điều trị chưa hiểu.

Những lúc như vậy, chị luôn nhẹ nhàng giải thích tận tình, cặn kẽ để bệnh nhân và người nhà hiểu, an tâm điều trị. Chị quan niệm: "Cũng là phụ nữ, chị hiểu thiên chức làm mẹ thiêng liêng đến nhường nào. Khi đến đây, bệnh nhân thường quá lo lắng và hoang mang vì mang trong mình mặc cảm không thể sinh con một cách tự nhiên. Người bác sĩ giỏi phải là người tạo cho họ cảm giác an tâm và trao cho họ niềm tin vào cuộc sống". Có lẽ vì vậy, chị là người đặc biệt hơn trong mắt đồng nghiệp và bệnh nhân. Họ luôn dành tình cảm và sự hàm ơn sâu sắc đến chị.

Chị tâm sự: "Có được thành công như ngày hôm nay, bệ đỡ lớn nhất của chị đó chính là gia đình. Dù không ai theo ngành y, nhưng bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng thông cảm và thấu hiểu cho những hy sinh, đóng góp của chị. Công việc bác sĩ là nghề làm việc vất vả.

Đêm giao thừa, gia đình đang quây quần ăn bữa cơm đầm ấm, đồng nghiệp gọi điện báo một cấp cứu khó, chị lại bỏ bát cơm ăn dở, tất tả lên đường, đến viện để hội chẩn cứu người". Chị thừa nhận: "Hai "của để dành" của chị luôn chịu thiệt thòi hơn cả vì phải "san sẻ" mẹ cho các em nhỏ khác. Nhưng chúng không ghen tị mà lại sống tự lập".

Đã, đang và sẽ có nhiều gia đình hiếm muộn có được niềm hạnh phúc được làm cha làm mẹ nhờ vào kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nhìn vào những hình ảnh đứa trẻ từ khi phôi thai đến khi chào đời, khôn lớn thì tình mẫu tử quả là lớn lao. Đằng sau những nụ cười hạnh phúc, những giọt mồ hôi, những đêm mất ngủ của một người phụ nữ có trái tim từ tâm sâu sắc,  đó là BS.TS Tô Minh Hương.  

Hàng ngày, khoa Hỗ trợ sinh sản tiếp nhận và điều trị khá nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị. Các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh sản có quan hệ thường xuyên từ 2-3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà không thụ thai trong vòng 12 tháng thì được gọi là vô sinh. Theo một nghiên cứu mới đây của PGS TS. Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc bệnh viện Phụ sản T.Ư, Thứ trưởng Bộ Y tế: Tỷ lệ vô sinh trên toàn quốc là 7,7%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh như buồng trứng đa nang, tắc vòi tử cung do viêm nhiễm đường sinh dục, nạo phá thai không an toàn dẫn đến tắc vòi tử cung, dính vòi tử cung.     

Vương Trần

Thực hư chuyện nước giếng "làng sinh đôi" chữa bệnh hiếm muộn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Nhiều lời đồn đại cho rằng tại ấp Hưng Hiệp, thuộc xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) có nguồn nước dị thường so với nguồn nước của nhiều ngôi làng khác trong vùng.

Bi hài muôn kiểu quý ông... bán "tinh binh"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Cuộc sống ngày càng tiện nghi, hiện đại và kéo theo nó là những nghề phát sinh rất tréo ngoe, khó hiểu làm "hại điện" quý ông.

Muôn kiểu "cậu chủ" lâm nạn vì "thần dược"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Nhiều quý ông rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì loại "thần dược" có tác dụng quá "vô biên". Bác sỹ kể chuyện khám, điều trị cho "cậu chủ" ở tình cảnh này mà "cười ra nước mắt".

Tìm lại hạnh phúc nơi tận cùng cái chết

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Cả đêm cháu bé đi ngoài ra máu, nôn ra máu, quấy khóc không ngủ. Sống trên đời mới được hơn 8 tháng, cháu đã phải chống chọi với căn bệnh "thế kỷ" HIV /AIDS, khiến cơ thể cháu suy kiệt, chỉ còn da bọc xương, mắt sâu hoắm, nằm thoi thóp trên giường bệnh.

Hạnh phúc vay mượn của kẻ quyết làm người thứ 3

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Niềm khao khát được làm mẹ của chị đã lấn át đi mọi khó khăn đau khổ trong cuộc sống đời thường, lấn át cả sự liêm sỉ khiến chị chấp nhận làm kẻ thứ 3. Nhưng rồi chính bản năng làm mẹ, sự mong muốn hy vọng vào một tương lai hạnh phúc cho con lại làm chị khổ, bế tắc.