Biến lá cây dại thành “vàng”, cả làng cùng “phất”

Thứ 3, 01/07/2025 19:18

Những lá cây rừng này được đấu giá lên đến hàng chục triệu đồng ngay từ lần đầu xuất hiện trên thị trường.

Rừng quê mọc “lá vàng”, dân hái về kiếm bộn

Vào giữa mùa hè, khi ánh sáng ban mai vừa mới xuất hiện, rừng trà tự nhiên ở thị trấn Tả Khê, Thanh Nguyên, Chiết Giang (Trung Quốc) vẫn còn được bao phủ trong sương mờ. Dân làng đứng xen kẽ giữa những bụi trà, khéo léo hái những búp trà non phủ đầy sương sớm. Cách đó không xa là một nhà máy trà cũng đang hoạt động từ sớm tinh mơ.

img

Ảnh: ZMG

“Hái trà giống như đánh trận vậy”, một dân làng tên Mao Shi Qing nhận định. Anh cho biết, dân làng phải lên núi trước khi trời sáng và bán lá trà cho các thương lái trước 3 giờ chiều. Bây giờ thì đỡ hơn vì có nhà máy trà luôn sáng đèn và chờ họ đến tận khi trời tối. 

Từ khi nhà máy trà được xây dựng, Mao Shi Qing và vợ không còn phải tất bật canh thời gian như trước. Họ có thể hái hơn 5kg trà rừng mỗi ngày và có thể đổi lá trà thành tiền ngay tại nhà.

Sự chuyển đổi này bắt đầu từ mùa thu năm 2024. Một nông dân tên Mao Yong Bao sau khi làm việc bên ngoài hơn 10 năm đã trở về quê hương Tả Khê để khởi nghiệp. Bao trở về với những tư duy kinh doanh hiện đại và nhiều nguồn lực thị trường. Với sự giúp sức của quỹ hỗ trợ chính phủ, ông đã thành lập nhà máy trà số 9, mang lại sức sống mới cho những lá trà rừng Thanh Nguyên ở quê nhà.

img

Ảnh: Chinanews

Nhà máy trà có số vốn đầu tư hơn 1 triệu NDT (3,5 tỷ đồng), được hoàn thành và đưa vào sản xuất chỉ trong nửa năm. Bước vào xưởng, bạn có thể nhìn thấy những chiếc máy sấy trà hoàn toàn tự động và thiết bị nướng thông minh đang hoạt động theo trình tự. 

img

Ảnh: ZMG

Từng lô trà xanh Thanh Nguyên được phân loại nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn. Loại trà này mọc trên rừng, ở vị trí cao 1.000m so với mực nước biển. Mây che phủ núi cao nên lá trà tắm nắng với cường độ thấp, tạo nên hương vị khác biệt so với các vườn trà lớn, vốn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. 

Bao cho biết, khí hậu nhiều mây và sương mù tại ngọn núi địa phương đã ban tặng cho loại trà rừng nơi đây một hương vị quyến rũ độc đáo và giàu chất dinh dưỡng. Hơn nữa, những cây trà rừng cổ thụ không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, có chất lượng tuyệt vời. 

Ngoài ra, do nhiệt độ thấp ở vùng trồng trọt và tình trạng thiếu phân bón, những búp trà dại nảy mầm và phát triển chậm. Vì vậy, phần lớn lá trà Thanh Nguyên chỉ được thu hoạch một lần trong năm, sản lượng khan hiếm khiến chúng trở nên càng quý giá hơn. 

img

Ảnh: ZMG

Thông qua sản xuất tiêu chuẩn hóa và xây dựng thương hiệu, lô trà rừng “Thanh Trúc 1369” đầu tiên đã được đấu giá với số tiền lên đến 10.000 NDT (35,5 triệu đồng). Bao đã thành công biến lá trà dại thành “những chiếc lá đáng giá ngàn vàng”. Hiện tại, một kg trà rừng có thể bán với giá cả nghìn NDT, thậm chí là hàng chục nghìn NDT. 

Nhà máy trà số 9 không chỉ là nơi gia công trà mà còn thu mua lá trà cho người dân hái. Hiện tại, nhà máy đã giúp tăng mức thu nhập trung bình hàng tháng thêm 1.500 NDT (5,3 triệu đồng) cho 217 nông dân trồng trà. Thu nhập chung của 5 cụm dân cư trong làng cũng đã vượt mốc 100.000 NDT (355 triệu đồng)/năm.

Hương Nguyễn (Theo Chinanews, ZMG)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.