Biện pháp đảm bảo an sinh xã hội do tác động của đại dịch Covid-19

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 23/11/2021 14:41

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động

Nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo báo cáo chuyên đề về biện pháp đảm bảo an sinh xã hội do tác động của đại dịch Covid-19 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp. Ngay từ khi đại dịch covid-19 xuất hiện ở nước ta, với việc nhìn nhận rõ những tác động của đại dịch, Chính phủ đã kịp thời có những biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương có thể vượt qua đại dịch.

Cụ thể: Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 154 ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Kết quả đã thực hiện được hơn 33 ngàn tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho 192.503 lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.

Sự kiện - Biện pháp đảm bảo an sinh xã hội do tác động của đại dịch Covid-19

Nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch (Ảnh minh họa).

Trước những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4/2021), Chỉnh phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ, trong đó nguồn từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh.

Kết quả triển khai đến nay, nhóm chính sách bảo hiểm có tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,46 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng. 

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỷ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này). Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động.

Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các gói hỗ trợ nêu trên đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Tập trung thực hiện 5 giải pháp

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, từ kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của các quỹ BHXH, BHTN, tai nạn lao động trong đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, người dân và hỗ trợ sản xuất – kinh doanh của người lao động.

Để tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong các chính sách an sinh xã hội, trong thời gian tới theo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách BHXH cần tiếp tục tập trung các giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHTN, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm. Đặc biệt là vai trò của chính sách BHXH trong việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của mọi người dân, doanh nghiệp vào mục tiêu an sinh xã hội rất quan trọng của bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội kể cả bắt buộc và tự nguyện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần quan tâm đến việc hỗ trợ về đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, kết nối cung – cầu để sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động.

Sự kiện - Biện pháp đảm bảo an sinh xã hội do tác động của đại dịch Covid-19 (Hình 2).

Vai trò của chính sách BHXH trong việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thứ ba, Tăng cường sự phối hợp trong thực hiện và tuyên truyền về chính sách BHXH như: sự phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên,… cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành để tạo sự đồng thuận, đồng bộ trong quá trình đưa chính sách BHXH đến mọi người dân, người lao động, doanh nghiệp mới đảm bảo được hết tính ưu việt trong thực hiện và mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH, BH thất nghiệp, đặc biệt là đối với chính sách BHXH tự nguyện.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của người lao động nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người dân trong việc tham gia BHXH. Việc thiết kế chính sách (về đối tượng, mức đóng, chế độ hưởng…) cũng cần linh hoạt hơn nữa. Ví dụ, nghiên cứu có lộ trình mở rộng các chế độ ngắn hạn và linh hoạt đối với chính sách BHXH tự nguyện để hấp dẫn và công bằng hơn trong các nhóm đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, cần có những biện pháp để chủ động hơn trong việc ứng phó với các rủi ro lớn có thể xảy ra như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong việc giải quyết chế độ; đồng bộ hóa và có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, theo dõi, giám sát cũng như thiết kế chính sách BHXH, đồng thời tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện trong các khâu thực hiện chính sách BHXH.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.