Theo TTXVN, cuối chiều 15/9, thông tin về kết quả Phiên đấu giá biển số xe ô-tô, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô, Phiên đấu giá ngày 15/9 đã thành công tốt đẹp.
Tổng số tiền trúng đấu giá là 82,325 tỷ đồng.
Từ 9-17h ngày 15/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá biển số xe ô-tô Phiên đấu giá thứ nhất (dự kiến phiên đấu giá này diễn ra vào ngày 22/8 nhưng do sự cố kỹ thuật không thực hiện được), bao gồm 11 biển số xe ô-tô của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (19A-555.55; 30K-555.55; 15K-188.88; 99A-666.66; 36A-999.99; 43A-799.99; 47A-599.99; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89).
Giá trúng cao nhất là 32,34 tỷ đồng (biển 51K-888.88 của Tp.HCM), giá trúng thấp nhất là 650 triệu đồng (biển 15K-188.88 của Hải Phòng).
Thu hút nhiều người tham gia nhất là cuộc đấu giá biển số 30K-567.89 của Hà Nội với 92 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 91 người, số trả giá là 67 người.
Tiếp đến là biển số 51K-888.88 của Tp.HCM với 83 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 82 người, số trả giá là 60 người.
Với các biển số được đấu giá có giá trị cao như trên, nhiều người thắc mắc biển số trúng đấu giá liệu có được xem là tài sản không? Nếu có thì nó có được áp dụng luật thừa kế/phân chia tài sản không ?
Về vấn đề này, trao đổi với Thanh Niên, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (thuộc Đoàn luật sư Tp.HCM, Công ty luật Viên An) tư vấn, biển số xe định danh không phải là đối tượng của giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Biển số xe định danh chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý đối với các phương tiện giao thông xe cơ giới.
Hơn nữa, cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định biển số là tài sản.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 73/2022/QH15 về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô, thì người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá…
Đồng thời, tại điểm a khoản 4 Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân chỉ được chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá kèm theo chuyển quyền sở hữu xe đã đăng ký biển số xe trúng đấu giá đó.
Như vậy, người sở hữu biển số xe trúng đấu giá sẽ không thể chuyển nhượng biển số một cách độc lập, biển số chuyển nhượng phải đi kèm với chiếc xe đã được đăng ký biển số đó. Nếu muốn chuyển nhượng biển số, người mua sẽ phải mua luôn chiếc xe đang gắn biển đó.
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá cho tổ chức, cá nhân khác; được chuyển quyền sở hữu xe theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an ban hành Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, trong đó quy định biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh).
Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số theo quy định tại Thông tư này.
Đối với chủ xe là công dân Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân.
Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì biển số định danh của chủ xe được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.
Số biển số định danh được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày thu hồi; quá thời hạn nêu trên, nếu chủ xe chưa đăng ký thì số biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì được giữ lại biển số định danh đó (không phải đổi biển số xe).
Minh Hoa (t/h)