Muôn kiểu lừa đảo tìm chó mèo
Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, mất bình tĩnh từ chủ nuôi, một số đối tượng trên mạng xã hội (MXH) thông qua nhiều hình thức môi giới khác nhau, đã tiếp cận nạn nhân rồi giới thiệu dịch vụ "nhận tiền trước, tìm kiếm sau" đầy rủi ro và không có biện pháp đảm bảo.
Dưới vỏ bọc cần tìm mèo thất lạc, PV Người Đưa Tin đã đăng bài viết trong các hội nhóm như: "Tìm Chó Mèo Thất Lạc Tp.HCM", "Hỗ trợ tìm kiếm chó mèo thất lạc toàn quốc", "Chó/Mèo tìm chủ - Lạc chủ tại Sài Gòn",… và nhận được hàng loạt bình luận giới thiệu, nhắn tin tiếp cận.
Ghi nhận những tài khoản này thường không có nhiều tương tác, lựa chọn chế độ riêng tư (ẩn bình luận) và đăng tải những hình ảnh, thông tin cho thấy có mối quan hệ với các tay tìm kiếm.
Điển hình như Facebook có tên "Linh Hoàng" tự xưng sở hữu đội tìm "chuyên nghiệp" tại 8 cơ sở khắp thành phố và nhận đơn với chi phí 650.000 đồng/vật nuôi (Ngân hàng BIDV - STK: 8821407478 - Chủ TK: Nguyễn Hữu Đồng), cam kết hoàn lại 600.000 đồng nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi được yêu cầu công khai một số giấy tờ định danh làm tin, người này dùng từ ngữ miệt thị và ngay lập tức chặn PV.
Một trường hợp khác là Facebook có tên "Bac Phan Hong Nhan". Mặc dù thông tin và hình ảnh PV đăng trong nhóm hoàn toàn không có thật, người này vẫn tuyên bố: "Anh tưởng con nào, con này chuyển sang kho rồi em", sau đó đề nghị chuộc lại với giá 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền phải được chuyển khoản qua ngân hàng, không chấp nhận gặp trực tiếp dù được PV đề nghị đưa tận tay.
Đáng nói rằng, để tạo niềm tin, "Bac Phan Hong Nhan" không nhắn tin trực tiếp mà thông qua nhiều tài khoản môi giới khác nhau như: "Van Su Tuy Duyen", "Hoa Hồng Đen",…. Điều này dấy lên lo ngại về hành vi lừa đảo có tổ chức và thủ đoạn sử dụng hình ảnh, danh tính giả gây tổn hại đến uy tín, danh dự các cá nhân liên quan.
100.000 đồng xăng xe tìm kiếm: Luật bất thành văn hay chiêu trò xin đểu?
Không chỉ tiếp cận nạn nhân trên mạng xã hội, việc để lại thông tin (số điện thoại) trong các bài đăng cũng khiến chủ nuôi trở thành mục tiêu nhắm đến của các đối tượng lừa đảo, đốc thúc chuyển tiền, xin đểu qua điện thoại.
Làm quen một số điểm bán thú cưng tại các quận trung tâm, PV được giới thiệu một người đàn ông tên Phước, tay tìm chó mèo thất lạc có tiếng ở Tp.HCM. Qua trò chuyện cùng người này, chúng tôi lần đầu biết đến một luật bất thành văn gọi là "100.000 đồng".
Khoản phí tuy không nhiều nhưng vẫn có thể trở thành số tiền lớn nếu hằng ngày, các tay hành nghề nhận từ vài chục đến hàng trăm đơn. Hiển nhiên, nó cũng trở thành cái cớ gạ gẫm, cò mồi, chuộc lợi từ nỗi đau và mất mát của người yêu động vật.
Ghi nhận suốt thời gian thực hiện bài viết, PV nhận được hàng loạt cuộc gọi, tự xưng là người trong nghề, chủ động kết bạn (Zalo) và nhắn tin xin 100.000 đồng tiền xăng xe.
Điển hình như số điện thoại "0901362437" thuộc về một người tên "Phạm Hữu Phong" (Ngân hàng MB - STK: 700019900102 - Chủ TK: Phạm Hữu Phong) xưng là admin nhóm tìm kiếm. Người này thường xuyên thay tên đổi họ (Cát Bụi, Baolongtinh, Phát Tài Phát Lộc,…) và chỉnh ảnh nền đại diện Zalo, nhưng tài khoản ngân hàng thụ hưởng gần như không đổi.
Thậm chí, việc gạ gẫm có dấu hiệu xuất phát từ chính điểm bán khi một phụ nữ tên N.T.C.H. (số điện thoại 090xxxx796) đã liên lạc, thông báo tìm thấy vật nuôi và yêu cầu PV đến địa chỉ trên đường Lê Hồng Phong (quận 10).
Phiền não vì mất chó mèo, chủ nuôi còn có nguy cơ trở thành nạn nhân của hành vi lừa tiền tìm thú cưng trên mạng.
Nghi ngờ về tính xác thực, PV yêu cầu quay video trực tiếp, nhưng chỉ được đốc thúc nhanh chóng đến điểm chỉ định.
Khi đến nơi (một cơ sở bày bán chó mèo), người phụ nữ cho xem vật nuôi (bị nhốt trong chuồng) khác xa so với thông tin PV đăng tải (cân nặng, hình dáng, giới tính).
Mặc dù vậy, PV vẫn bị yêu cầu phải chuyển 100.000 đồng phí xăng xe (?) dù thực tế đã trực tiếp đến và chủ động đi lại.
Người phụ nữ nói rằng sẽ tiếp tục đến các lò mổ tìm kiếm. Nhưng đã nhiều tháng qua, PV chưa nhận được bất cứ thông tin liên hệ nào cho thấy người này thực hiện đúng cam kết sau khi nhận tiền.
Theo tiết lộ của Phước, đa số các trường hợp bị bẫy bắt đều khó tìm lại nếu đã qua 2 ngày mất tích. Điều này thậm chí chắc chắn đối với giống vật nuôi nội, chủ yếu chuộng bẫy bắt để giết thịt.
Do đó, trừ trường hợp chó mèo tự trở về hoặc trốn thoát khỏi các điểm tập kết, đa số thông tin nhận tìm hoặc thông báo nhận tiền trước, tìm lại sau gần như đều là lừa đảo.
Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Viện Nghiên cứu Pháp luật phía Nam thuộc Đoàn luật sư Tp.HCM cho biết, nhận chuyển tiền tìm vật nuôi nhưng không thực hiện được xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cấu thành khi thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính; từng bị kết án; ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại…
Để làm được điều này, thú cưng của người bị trộm cắp cần thuộc giống ngoại (giá trị cao, có hóa đơn mua bán chứng minh giá trị) hoặc tất cả nạn nhân cùng làm đơn kiến nghị, cung cấp thông tin hoặc ủy quyền cho một người đại diện tường trình tổng hợp toàn bộ vụ việc.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH HT Legal VN, Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng như thế nào là hoạt động mê tín dị đoan. Trên thực tế, nhiều người còn mơ hồ giữa khái niệm "mê tín dị đoan" và "tín ngưỡng".
Theo nhận định của luật sư, hành vi quảng cáo xem quẻ, bói toán tìm thú cưng có dấu hiệu của hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh, đánh vào tâm lý của gia chủ để trục lợi tiền bạc và các lợi ích khác. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ðào Lưu, Giảng viên Tâm lý học Trường Đại học Văn Lang cho biết, khi túng quẫn hoặc không thể tìm thấy phương hướng thực tại người ta có xu hướng tìm đến tâm linh vì đơn giản tâm linh là một thế lực vô hình, không giới hạn và có những năng lực phi phàm (đôi khi có những điều vô lý nhưng nhiều người vẫn chọn tin).
Trên thực tế, tin tưởng và tìm đến tâm linh không xấu, nhưng dùng những yếu tố tâm linh để trục lợi, núp bóng hoạt động bóp toán, gieo quẻ để truyền bá mê tín dị đoan là biến tướng cần bị lên án.
Đáng nói rằng, hoạt động tín ngưỡng, tâm linh cần xuất phát từ phía chủ thể, tuy nhiên, đối với hoạt động bói bài, gieo quẻ tìm vật nuôi, hoạt động này lại được thúc đẩy bằng cách tiếp cận dồn dập (quảng cáo) và đánh vào tâm lý đau buồn của người bị hại. Việc chấp nhận sử dụng dịch vụ đối với nạn nhân chỉ như đánh cược vào "canh bạc" thay vì niềm tin.
Khuynh Hà