Ngày 27/6, Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận đưa vụ án Giết người ra xét xử đối với bị cáo Trần Văn Lộc (SN 2005, trú khu phố 6, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết).
Chỉ vì muốn cưới vợ mà dẫn đến án mạng
Theo cáo trạng, trong quá trình sinh sống Lộc có quen một người bạn gái và muốn cưới làm vợ. Lộc nhiều lần yêu cầu ông T. (cha của Lộc) điện thoại cho gia đình nhà gái để xin cưới nhưng ông T. từ chối.
Đến khoảng 23h ngày 25/1, Lộc đang ở nhà, bà Tuyết (bà nội của Lộc) đang nằm trong phòng riêng, còn ông T. đang nằm trên võng. Lộc tiếp tục vào hỏi ông T. về việc điện thoại nói chuyện với gia đình bạn gái. Ông T. không đồng ý và xô xát với Lộc.
Nghe ồn ào nên bà Tuyết từ phòng ngủ đi ra thấy ông T. đánh Lộc nên có lời nói can ngăn. Ông T. tiếp tục ra bếp lấy cây lau nhà rồi quay lại đánh Lộc và sau đó cầm dao tiến về phía Lộc.
Lộc chụp lấy tay cầm dao của ông T. giằng co làm ông bị ngã và Lộc lấy được con dao. Sau khi bị ngã, ông T. đứng dậy và bị Lộc cầm dao đâm dẫn đến loạng choạng ngã nằm úp xuống nền nhà.
Khi xe cấp cứu của Bệnh viện Tâm Phúc đến, Lộc yêu cầu sơ cứu cho ông T.. Tuy nhiên, nhân viên y tế thông tin là ông T. đã tử vong.
Đến khoảng 13h ngày 26/1, hối hận vì những gì đã gây ra Lộc đã cùng người thân đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đầu thú và khai báo về hành vi sử dụng dao đâm tử vong cha ruột của mình.
Cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội bằng án phạt tù
Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi sử dụng dao là hung khí nguy hiểm tước đoạt trái phép tính mạng của người khác của Trần Văn Lộc là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương nên cần phải xử lý nghiêm nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.
Tuy nhiên, do Lộc thực hiện tội phạm phần nào cũng là do trước đó bị hại có lỗi khi đã đánh Lộc và sau đó lại lấy dao ra đe dọa Lộc, cho nên hành vi phạm tội của Lộc không có tính chất côn đồ.
Với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và hậu quả nghiêm trọng của vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo một hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội bằng một mức hình phạt tù tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo do quá trình điều tra bị cáo Trần Văn Lộc đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.
Bên cạnh đó, đại diện bị hại có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt, nên bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định.
Đối với bà Phạm Thị Tuyết, là người có mặt thời điểm xảy ra xô xát giữa ông T và Lộc dẫn đến ông T. tử vong. Tuy nhiên, trong lúc Lộc dùng dao đâm ông T thì bà Tuyết không nhìn thấy được do bị che khuất tầm nhìn.
Bà cũng đã hợp tác với Cơ quan điều tra, khai báo đầy đủ giúp cho việc xử lý vụ án kịp thời, không gây ảnh hưởng đến công tác điều tra.
Mặt khác, sau khi ông T. tử vong bà Tuyết có sang nhà hàng xóm là bà Trương Thị Năm nhờ trình báo sự việc cho cơ quan công an. Hơn nữa, bà Tuyết đã tác động Lộc đi đầu thú, bản thân bà đã lớn tuổi, nhận thức pháp luật hạn chế. Do đó, chưa đến mức khởi tố xử lý hình sự đối với bà Phạm Thị Tuyết về tội Che giấu tội phạm.
Sau khi nghị án , HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Lộc 15 năm tù giam.