Ngày 11/3, Bộ Công thương tiếp tục ban hành chỉ thị thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Chỉ thị này yêu cầu các cán bộ, công chức của Bộ Công Thương hạn chế họp hành, không đi công tác nước ngoài nếu chưa được cho phép, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, thường xuyên, liên tục các nội dung công việc thuộc bộ, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, phải có phương án ứng phó mọi tình huống.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, đặc biệt là đối với các mặt hàng chống dịch, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân.
Chỉ thị cũng yêu cầu Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.
Video Bệnh nhân số 39 là hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội
Cục Điều tiết điện lực được giao chủ trì nhiệm vụ chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước định giá. Một trong các mặt hàng quan trọng này là điện, nước sinh hoạt, nước ngầm...
Cục Công nghiệp được giao nhiệm vụ tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào. Cơ quan này cũng được yêu cầu đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh.
Cục này cũng được giao đề xuất biện pháp để phát triển mạnh các vùng sản xuất để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu được giao đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các FTA.
Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Các dự án được nhắc đến là Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Nhiệt điện Long Phú I, dự án Nhiệt điện Sông Hậu I; các dự án điện, khí, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện; không được để thiếu điện giai đoạn 2021-2025…
Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 204 theo hướng xử lý theo thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo không được để thiếu điện cho sản xuất và đời sống trong giai đoạn 2021 - 2025.
Lê Lan (Tổng hợp)