Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm 2022 ở các khâu như: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi.
Bộ GD&ĐT thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phúc khảo bài thi tại 10 Sở GD&ĐT, hiện đang hoàn thiện dự thảo thông báo kết quả kiểm tra.
Thời điểm hiện tại, các đoàn kiểm tra đang hoàn thiện dự thảo để thông báo kết quả này. Đây là hoạt động hậu kiểm nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 giữ ổn định. Tuy nhiên các địa phương, các sở giáo dục và đào tạo cần chủ động chuẩn bị sớm cho việc tổ chức kỳ thi vào năm sau, trong đó có các phương án phòng ngừa rủi ro phát sinh.
Bộ cũng yêu cầu các trường THPT đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiệm cận dần với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, thí điểm việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ kiểm tra thường xuyên, định kỳ trong các trường THPT để hỗ trợ các nhà trường điều chỉnh phương pháp dạy học, đánh giá.
Hiện Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025, cho những học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2022, theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022 trên toàn quốc là: 1.002.432. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%.
Trong kỳ thi, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc; thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương. Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.
Trúc Chi (theo Đại Biểu Nhân Dân, Tuổi Trẻ)