Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án cao tốc Bắc Nam

Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án cao tốc Bắc Nam

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 4, 08/06/2022 21:20

Có thời gian đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, tuy nhiên có đến 2 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1 phải chờ đến năm 2024 mới hoàn thành.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội giải trình một số nội dung dự kiến chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong tổng số 11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 hiện nay mới chỉ có duy nhất dự án Cao Bồ - Mai Sơn (nối Nam Định với Ninh Bình) được hoàn thành.

Trong 10 dự án còn lại, Bộ GTVT nhận định 4 dự án đã đạt 58,3% giá trị hợp đồng, có thể hoàn thành năm 2022 là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

4 dự án khác đạt 37,6% giá trị hợp đồng, có kế hoạch hoàn thành năm 2023 là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2.

Đặc biệt, 2 dự án phải lùi tiến độ đến năm 2024 là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Sản lượng trung bình 2 dự án này mới đạt 9,2%.

Kinh tế vĩ mô - Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án cao tốc Bắc Nam

Dự án Cao Bồ - Mai Sơn nối Nam Định với Ninh Bình là dự án đầu tiên và duy nhất đã hoàn thành trong số 11 dự án giai đoạn 2017-2020, được thông xe chính thức vào ngày 4/2/2022. 

Tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, Bộ GTVT cho biết do công tác GPMB còn nhiều hạn chế (từ năm 2019 đến nay vẫn còn vướng khoảng 0,655 km chưa bàn giao mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời); sự thiếu hụt nguồn vật liệu đắp nền đường do công tác khảo sát, điều tra, thỏa thuận với địa phương còn chưa sát với thực tế, thủ tục cấp phép khai thác kéo dài, một số địa phương triển khai còn chậm.

Mặt khác, năng lực của một số Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án còn hạn chế, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của dự án. Một số nhà thầu năng lực tổ chức thi công, huy động tài chính còn yếu kém dẫn đến chậm tiến độ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu biến động kèm những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh cũng là nguyên nhân khiến dự án kéo dài thời gian.

Giải pháp của Chính phủ và Bộ GTVT là yêu cầu các địa phương giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà thầu khai thác vật liệu đắp nền đường; chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương công bố giá vật liệu xây dựng theo quy định.

Bộ GTVT chỉ đạo ban quản lý dự án đẩy nhanh khâu nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn tài chính cho nhà thầu; đồng thời, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm bằng những hình thức như cảnh cáo, cắt chuyển khối lượng thi công... vi phạm nghiêm trọng thì chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu từ 3 đến 5 năm với các dự án do Bộ GTVT quản lý.

Kinh tế vĩ mô - Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án cao tốc Bắc Nam (Hình 2).

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư. 

Thông tin về tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ GTVT cho biết đến nay việc triển khai cơ bản đáp ứng theo kế hoạch.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước, Chính phủ đã có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước. Hiện đang giải trình ý kiến của các cơ quan thuộc Quốc hội, dự kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 6/2022.

Về công tác thỏa thuận, làm việc với địa phương và các cơ quan liên quan, đến nay, 12/12 tỉnh, thành phố đã có ý kiến về hướng tuyến và công trình trên tuyến; Bộ Quốc phòng đã có ý kiến thỏa thuận hướng tuyến các dự án thành phần.

Đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 682,4/729 km (đạt 94%); các đoạn còn lại (chủ yếu ở các nút giao) sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ trước ngày 30/6/2022. 12/12 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng; thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của 6/6 dự án thành phần đi qua trên 2 tỉnh, thành phố. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 4 dự án và đang tiếp tục xem xét phê duyệt ĐTM các dự án còn lại trước ngày 10/6/2022.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết một số địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tháng 11/2017, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Với nhu cầu vốn cho 11 dự án là 118.716 tỷ đồng, Quốc hội chỉ bố trí ngân sách 55.000 tỷ đồng. 8/11 dự án phải đầu tư PPP.

Quá trình xúc tiến đầu tư 8 dự án theo phương thức PPP sau đó gặp nhiều vướng mắc khiến Bộ GTVT phải chuyển 5 dự án sang phương thức đầu tư công.

Đến nay, chỉ còn 3 dự án được duy trì phương thức đầu tư PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.