Video: Người Bajau lặn săn cá. Nguồn: Diver Lukman
Theo trang History of Yesterday, có nhiều bộ lạc thú vị sinh sống ở nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh trên khắp thế giới. Một trong số này phải kể tới bộ lạc Bajau với siêu năng lực ở dưới nước.
Bộ lạc Bajau được thế giới biết tới vào thế kỷ 18. Họ sinh sống ở vùng biển của một số nước Đông Nam Á (Philippines, Malaysia và Indonesia) và nổi tiếng với biệt danh "những kẻ du mục biển" hoặc "giang hồ biển". Hầu hết người Bajau sống trên những chiếc thuyền hoặc nhà dựng trên biển thay vì trên đất liền. Số lượng thành viên của bộ lạc Bajau trên thực tế là rất lớn, nhưng nhiều người chọn rời đi để sống cuộc sống trên bờ hoặc ở các bờ sông.
Từ trước tới nay, bộ lạc này sống bằng nghề lặn bắt hải sản. Trong quá trình săn bắt, người Bajau dành 60% thời gian ở dưới biển. Theo nghĩa đen, "những người này được sinh ra để lặn". Cũng chính vì điều kiện sinh sống này, cơ thể họ đã dần thích nghi với môi trường qua từng thế hệ.
Việc nhịn thở lâu và lặn sâu là cách duy nhất giúp người Bajau có thể bắt được hải sản, giúp họ có thức ăn và có tiền để mua các nhu yếu phẩm khác.
Một cậu bé người Bajau nô đùa với một con cá mập nhỏ. Ảnh: James Morgan
Siêu năng lực của người Bajau là gì?
Một người bình thường chỉ có thể nhịn thở dưới nước trung bình khoảng 1 phút. Vì vậy, việc người Bajau có thể nhịn thở 13 phút và lặn sâu tới 70 mét mà không cần dụng cụ lặn được xem là ấn tượng.
Những người nhịn thở trong thời gian dài dưới nước mất nhiều năm luyện tập sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, nhưng với người Bajau họ có khả năng đó mà không cần luyện tập. Vì vậy, nhiều người gọi đó là siêu năng lực của bộ lạc ở Đông Nam Á.
Không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sự tiến hóa di truyền qua các đời cho phép người Bajau có thể nín thở và lặn sâu dưới nước như vậy, cho tới năm 2018.
Người Bajau có thể nhịn thở 13 phút và lặn sâu khoảng 70 mét. Ảnh: National Geographic
Melissa Ilardo, một tiến sĩ tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), cùng 2 nhà nghiên cứu khác là Eske Willerslev và Rasmus Nielsen muốn tìm hiểu nguyên nhân khiến người Bajau có được siêu năng lực dưới nước.
Giả thuyết của Melissa là những "giang hồ biển" này được di truyền để thích nghi với môi trường sống và có thứ gì đó bên trong cơ thể họ đã thay đổi, cho phép họ nhịn thở lâu dưới nước mà không cần tập luyện.
Nghiên cứu của nhóm Melissa được thực hiện bằng cách lấy máu của 59 thành viên bộ lạc Bajau và so sánh với mẫu ADN của 34 người Saluan (sống trên đất liền ở Indonesia) và 60 người Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu phát hiện PDE10A, một gene khác biệt ở người Bajau so với các nhóm người còn lại. Gene này được tìm thấy trong tuyến giáp, nơi kiểm soát việc giải phóng các hormone. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy, gene PDE10A khiến tuyến giáp tiết ra nhiều hormone hơn, khiến lá lách của người Bajau lớn hơn.
Nguyễn Thái - History of Yesterday