Mới đây, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cư tri Tp.HCM về việc xem xét bổ sung quy định tăng mức hình phạt đối với thanh niên không chấp hành lệnh nhập ngũ.
Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 6/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định đã điều chỉnh tăng mức tiền xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ.
Cụ thể, tại Điều 7 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ quy định:
Khoản 1, điều chỉnh tăng mức tiền xử phạt: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng, (khoản 1 Điều 7 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi trên).
Bổ sung khoản 2, khoản 3: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định; phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”.
Khoản 1 Điều 332 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào không chấp hành đúng quy định pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này; chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”, tuy nhiên việc quy định như trên chưa mô tả đầy đủ các hành vi “trốn tránh nghĩa vụ quân sự” được quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, tạo ra nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, gây khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm.
"Bộ Quốc phòng trân trọng tiếp thu ý kiến của cử tri Tp.HCM. Thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 332 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, để thống nhất với quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; góp phần ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", Bộ Quốc phòng cho biết.
Tuệ Minh