Tiếp tục Phiên họp thứ 47, sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025.
Đề xuất bổ sung 4 dự án Luật
Trình bày Tờ trình tóm tắt về việc điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 bổ sung 4 dự án Luật do Chính phủ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh đề xuất xây dựng 4 dự án Luật và sự cần thiết, mục đích ban hành của 4 dự án Luật, gồm: Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 4 dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2025).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Media Quốc hội).
Trình bày Báo cáo tóm tắt ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 với những lý do, mục đích ban hành được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ.
Đề nghị các Cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự án cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chú trọng chất lượng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Về dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), đa số ý kiến của các cơ quan tán thành tên gọi như đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi thành Luật Tiết kiệm, chống lãng phí cần bảo đảm không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà phải thiết lập chuẩn mực pháp lý rõ ràng có tính khái quát, bao hàm đầy đủ các nguyên tắc, chính sách, biện pháp thúc đẩy tiết kiệm và ngăn ngừa lãng phí; khuyến khích tiết kiệm, chống lãng phí cả đối với khu vực tư nhân; tạo cơ sở xác định nghĩa vụ pháp lý bắt buộc với biện pháp xử lý vi phạm hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ tên gọi là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như hiện hành nhằm khuyến khích, tạo dựng ý thức, thói quen thực hành tiết kiệm và phù hợp việc sử dụng cụm từ "thực hành tiết kiệm" tại nhiều văn kiện của Đảng.
Về dự án Luật An ninh mạng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, nếu dự án Luật này thay thế cả Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng thì cần chỉnh lý tên gọi để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh.
Đồng thời, hợp nhất phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng hiện hành, loại bỏ các nội dung trùng lặp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).
Đối với dự án Luật Thương mại điện tử, các cơ quan nhận thấy, các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên Tờ trình chưa làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thương mại điện tử với các luật liên quan, chưa chỉ rõ các bất cập, chồng chéo hay khoảng trống pháp lý cần được khắc phục.
Do đó, đề nghị cần rà soát kỹ, làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo Luật, tránh trùng lặp, mâu thuẫn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Bên cạnh đó, do thương mại điện tử có bản chất xuyên biên giới, với sự tham gia của nhiều chủ thể trong và ngoài nước thông qua các hình thức hoạt động đa dạng như đầu tư, xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ, giao dịch và hỗ trợ thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài..., quá trình xây dựng Luật cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Về dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế), Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị lấy tên gọi là Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), vì theo thông lệ các dự án luật được sửa đổi toàn diện thì trong tên gọi của dự án sẽ dùng từ "sửa đổi" để xác định.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị trong quá trình soạn thảo Luật, cần rà soát kỹ các điều luật bảo đảm tuân thủ nguyên tắc phân cấp, phân quyền.
Tiếp tục rà soát quy định của Luật hiện hành để khắc phục triệt vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo do quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình lập pháp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chỉ còn Kỳ họp thứ 10 là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), do đó, tất cả các luật trình Quốc hội trong thời gian tới cần gói gọn quyết định trong Kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2025).
"Nếu các Cơ quan soạn thảo chuẩn bị 4 dự án Luật đảm bảo kỹ lưỡng, có chất lượng sẽ trình tại một kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại nước ta, Chủ tịch Quốc hội cho biết, về mặt pháp lý, việc dùng từ "sửa đổi", "thay thế" là hoàn toàn khác nhau.
Hiện nay có 213 luật có hiệu lực thi hành thì đều dùng từ "sửa đổi". Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên văn bản gốc, chỉ điều chỉnh, bổ sung một phần nội dung của luật đó, sau khi sửa đổi thì luật gốc vẫn còn hiệu lực, chỉ thay đổi các điều khoản cụ thể. Còn thay thế luật nghĩa là ban hành một luật mới hoàn toàn, chấm dứt hiệu lực của luật cũ.
Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 để bổ sung 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, trong đó nhất trí với đề xuất xây dựng 2 dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.