Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) nổi tiếng với những sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao. Các sản phẩm gốm của ông đều mang phong cách đặc trưng riêng, từ khâu chế tác tạo khuôn âm bản đến quá trình chạm khắc tinh xảo, công phu.
Tất cả sản phẩm gốm phù điêu được làm hoàn toàn theo công thức thủ công thuần Việt. Bộ tác phẩm 12 con giáp bằng gốm sứ của nghệ nhân Tuyên có nước men hỏa biến được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam xác lập kỉ lục lớn nhất Việt Nam hồi tháng 7/2022. Đây là bộ tác phẩm độc đáo, độc bản.
Đầu năm 2023, ông Tuyên khiến giới nghiên cứu, những người yêu gốm ngạc nhiên trước những sản phẩm gốm mang màu men độc, lạ như như đá hoa cương, đá thạch anh, kim sa… Đây là 10 bài men gốm được ông nghiên cứu, hun đúc thành công thức gia truyền.
“Bộ tác phẩm 12 con giáp đạt kỉ lục Việt Nam cũng được tôi cho ra lò lại với màu rêu nhưng nhìn cũng giống màu lông thú, màu men lạ chưa từng có. Trước bộ sưu tập có màu men hỏa biến, men hỏa biến là tinh hoa của nghệ thuật điều chỉnh nhiệt độ nung, để cho ra màu sắc biến ảo hết sức tự nhiên. ”, nghệ nhân cho biết.
Nghệ nhân cho hay, mỗi con giáp bằng gốm phù điêu đều độc bản, họa tiết được đắp nổi hoàn toàn, chạm khắc tinh xảo, công phu.
Những màu men như hoa văn của đá thiên nhiên nhưng có lớp lang, chìm, nổi, nhưng sờ vào rất bóng, mượt. Có những màu men lại như thớ gỗ cẩm lai, gỗ nghiến.
Ông Tuyên cho hay, đối với gốm, khi chế tác xong mới được 50%, 50% còn lại phụ thuộc vào cơ chế lửa. Làm sao để đất kết khối, liên kết được giữa men và hình không bị biến dạng, nứt xé và qua lửa được lành lặn, có giá trị tồn tại hàng ngàn năm, đó là kì vọng của một người mở cửa lò.
Để tạo ra một sản phẩm độc đáo, không chỉ đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo mà người nghệ nhân phải hiểu nguyên lý của hóa học và vật lý.
“Gốm sứ gắn liền với nguyên lý của vật lý và hóa học, cần người nghệ nhân phải nắm được cơ chế co giãn giữa lượng nước trong đất, gắn liền với các chất khoáng, quặng, để phủ men khi qua lửa được đẹp nhất”, nghệ nhân chia sẻ.
Gốm phù điêu dần mai một từ đầu thế kỉ XVII. Tuy nhiên, với tâm huyết của một nghệ nhân, sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã thành công trong việc khôi phục dòng gốm này với những dấu ấn nổi bật.
Nét đặc trưng khác biệt của gốm phù điêu không chỉ đơn thuần là vẽ mỏng men trên mặt vàng mà là nặn đất điêu khắc phối nổi rồi đưa đi nung.
Tạo hình đẹp là cái gốc của mỹ thuật, điều quan trọng là làm thế nào để các chi tiết đắp nổi khi qua nhiệt độ cao không bị biến dạng, hư hỏng.
Trong suốt quá trình làm nghề, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đạt được rất nhiều kỉ lục Việt Nam. Trong ảnh là tác phẩm Đôi Nghê Việt bằng gốm men hỏa biến được chế tác thủ công có kích thước lớn nhất Việt Nam (năm 2022).
Với những cống hiến miệt mài cho nghệ thuật, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên đã được Tổ chức kỉ lục Người Việt toàn cầu xác lập là “Người Việt Nam phục dựng và sáng tạo các tác phẩm thuộc trường phái nghệ thuật gốm phù điêu đắp nổi với số lượng nhiều nhất”.
Hồng Phú