Tổng cục Du lịch có làm được không hay chỉ nói theo sách vở?
Ngày 22/9, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch (VH,TT&DL) tổ chức diễn đàn Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu trên khắp cả nước do Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng chủ trì.
Tuy nhiên, do trục trặc về kỹ thuật, đầu cầu từ các tỉnh không nghe và không thấy hình ảnh trực tuyến từ Bộ VH,TT&DL nên cuối cùng, diễn đàn chỉ có các đơn vị trực thuộc Bộ như: Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Di sản, Cục Văn hoá Cơ sở... tham gia trực tiếp.
Mở đầu diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh -Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch chia sẻ những giải pháp về đổi mới các hình thức truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh. Ông Khánh cho biết, trong bối cảnh u tối của du lịch toàn cầu, trong gần 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến: Các chiến dịch quảng bá thông qua trang web và các trang mạng xã hội.
Một điểm sáng trong công tác xúc tiến, quảng bá trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 là việc chuyển hướng thị trường nhanh chóng, kịp thời. Khi du lịch quốc tế bị đóng băng, chúng ta đã đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Nổi bật là 2 chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Ngay sau phát biểu của đại diện Tổng cục Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng "nhắc nhở" Tổng cục này về việc chuyển đổi số trong ngành. "Khi mà ngay cả ở Bộ "hạ tầng kỹ thuật tối thiểu để truyền tín hiệu trực tiếp từ Bộ đến Sở cũng không làm được, đi thuê cũng không làm được. Hạ tầng kỹ thuật tối thiểu mà văn phòng Bộ còn không làm được thì việc lớn như chuyển đổi số thì Tổng cục Du lịch có làm được không hay chỉ nói theo sách vở?", Ông Hùng đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, Tổng cục Du lịch thời gian qua triển khai một số dự án đề án chuyển đổi số du lịch, nhưng các dự án, đề án này "đều cần nguồn lực lớn về vật chất và con người", đặc biệt là cần sự đầu tư quan tâm của Nhà nước vì để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trực tiếp, rất khó kêu gọi xã hội hóa. Và nguồn lực xã hội hoá cũng rất khó để thành công.
Tiếp đó, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ, đối với lĩnh vực NTBD, đại dịch Covid-19 đã vượt quá mức độ của một cuộc khủng hoảng truyền thống. Gần 2 năm qua, nó đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn là lĩnh vực đặc thù. Tuy nhiên, Cục NTBD đã từng bước đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong sáng tác, biểu diễn từ đó, khuyến khích các đơn vị nghệ thuật trên cả nước tích cực dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật có nội dung hấp dẫn, hình thức bắt mắt, với thời lượng phù hợp để phổ biến trên các nền tảng công nghệ trực tuyến như YouTube và các nền tảng mạng xã hội khác nhằm khai thác đối tượng khán giả rộng lớn trên các nền tảng công nghệ này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cảm ơn bài phát biểu "giàu tính văn học và cảm xúc" của ông Minh Tuấn. Người đứng đầu Bộ VH,TT&DL ghi nhận những nỗ lực của Cục trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật online, "tạo ra hiệu ứng vắc-xin tinh thần, đem lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân, vào tâm dịch để làm phong phú đời sống tinh thần, xoa dịu nỗi cô quạnh cho dân chúng".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: "Đó mới thực hiện được nhiệm vụ chính trị, còn nhiệm vụ phát triển kinh tế để nuôi bộ máy của hơn 100 đoàn nghệ thuật trong cả nước thì Cục chưa làm được, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể "hiến kế" để các Nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể kiếm được tiền trên mạng xã hội?".
"Youtuber có trên 1 triệu lượt theo dõi là phát sinh doanh thu rồi. Liệu các Nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể kiếm tiền được như các Youtuber không?", ông Hùng đặt câu hỏi.
Ông Lê Minh Tuấn trả lời: "Trong bài tham luận Cục NTBD cũng đã đưa ra giải pháp là từng bước hướng tới thiết lập được các website, kênh phát sóng trực tuyến các chương trình, tiết mục nghệ thuật có thu phí xem biểu diễn nghệ thuật trực tuyến. Trong thời gian tới, hy vọng việc chuyển đổi số, đưa nghệ thuật lên các chương trình trực tuyến sẽ nhiều hơn, hiệu quả hơn".
Với vấn đề của Cục Di sản, Bộ trưởng Hùng cho rằng, bảo tàng được xác định là một trong ba thiết chế văn hóa cần có và hiện tỉnh nào cũng có bảo tàng nhưng thiết chế này không hoạt động được, nhiều địa phương đắp chăn và yêu cầu Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền hiến kế cho lãnh đạo bộ để giải quyết thực trạng này.
Bà Hiền nêu cái khó và quanh đi quẩn lại vẫn là nội dung trưng bày. Nhiều địa phương chỉ quan tâm tới cái vỏ mà không quan tâm tới lõi bên trong. Bà Hiền lấy ví dụ như Bảo tàng Hà Nội được đầu tư lớn ngay giữa thủ đô nhưng đã 12 năm mà vẫn chưa thể mở cửa đón khách. Vấn đề này, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VH,TT Hà Nội đã nhận lỗi dù có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng.
Lĩnh vực thể thao cũng đứng trước những thách thức nặng nề khi các hoạt động TDTT trong cả nước bị ngưng trệ, hàng loạt các sự kiện, giải đấu thể thao trong nước và quốc tế phải thay đổi kế hoạch, lùi thời gian tổ chức hoặc hủy hoàn toàn, đặc biệt là các giải thể thao trong kế hoạch năm 2021 trong thời điểm bùng phát dịch diện rộng trên phạm vi cả nước; hoạt động TDTT quần chúng gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa để chống dịch…
Trăn trở "4 không" của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch...
Tổng kết lại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh, trong 9 tháng vừa qua, toàn ngành VH,TT&DL đã thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn, xen lẫn những thuận lợi.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành VH,TT&DL vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Theo Bộ trưởng Hùng, năm 2021, tình hình dịch bệnh đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đất nước. Có những thời điểm ngành VH,TT&DL phải đối mặt với "4 không" đó là: "Không tổ chức chương trình nghệ thuật - Không có các sự kiện thể thao lớn - Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế - Không có các hoạt động nghệ thuật ở cấp quy mô".
Người đứng đầu ngành VH,TT&DL trăn trở: "Chúng ta rất muốn chuyển đổi số nhưng còn khó khăn về mặt con người, công nghệ, nguồn lực hiện nay còn phân bổ rải rác, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Cứ nói chuyển đổi số nhưng ngay cuộc họp trực tuyến này về mặt kỹ thuật cũng không đáp ứng được. Hạ tầng kỹ thuật tối thiểu mà văn phòng Bộ còn không làm được thì việc lớn như chuyển đổi số liệu có làm được không?".
Bên cạnh đó, ông cũng cho hay, hoạt động chuyển hướng ở góc độ nào đó vẫn còn mang dáng dấp của phong trào, còn thiếu tính chuyên sâu, chuyên nghiệp. Khó khăn khác nữa là nhìn nhận xã hội, mong muốn của Lãnh đạo đối với ngành và đáp ứng của ngành đối với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra vẫn đang là một khoảng cách. Đây là tồn tại lâu năm của ngành không phải ngày một ngày hai có thể tháo gỡ.
Ông Hùng cũng thẳng thắn nói với Ngành mình: "Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, không nên say sưa với những gì làm được, suy ngẫm nhiều hơn, phải thấy được sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch để tự soi mình, làm nhiều, cống hiến nhiều hơn nữa".