Ông Boris Pistorius trên xe tăng Đức (ảnh: CNN)
Phóng viên của Bild hỏi ông Pistorius rằng, liệu đến khi kết thúc xung đột, Ukraine có thể đưa biên giới lãnh thổ về lại thời điểm năm 1991 hay không, RT hôm 8/2 đưa tin.
Năm 1991, Ukraine tách khỏi Liên Xô và lãnh thổ nước này bao gồm cả vùng Donbass (2 tỉnh Donetsk, Lugansk) và bán đảo Crimea. Đây là những khu vực sau này đã tuyên bố ly khai khỏi Ukraine, sáp nhập Nga.
Trả lời câu hỏi từ Bild, ông Pistorius cho rằng đây là vấn đề “rất khó”. Ông Pistorius so sánh câu hỏi như việc “nhìn vào quả cầu tiên tri”.
Trong khi né tránh câu hỏi, ông Pistorius dành lời khen ngợi cho sự quyết tâm của lực lượng Ukraine và lưu ý rằng: “Điều quan trọng là chúng tôi vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraine một cách hết khả năng”.
“Đây là một cuộc chiến tiêu hao khủng khiếp. Có những tổn thất rất lớn”, ông Pistorius nói.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, việc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine là “chìa khóa” quyết định xung đột sẽ kết thúc ra sao.
Khi được hỏi rằng bản thân có giữ nguyên quan điểm “Ukraine phải thắng trong xung đột” hay không, ông Pistorius đáp “dĩ nhiên là có”.
Nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức vào ngày 19/1, quyết định lớn đầu tiên mà ông Pistorius đưa ra là ủng hộ viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Trước đó, Đức đã nhiều lần bác bỏ kế hoạch này, bất chấp Kiev nhiều lần thúc giục.
14 xe tăng chủ lực Leopard 2 của Đức dự kiến sẽ được gửi sang Ukraine vào cuối tháng 3. Hiện Đức và Anh là 2 nước có thể gửi xe tăng chủ lực sớm nhất cho Ukraine.
Khi xe tăng phương Tây lăn bánh ở Ukraine, ông Pistorius nhấn mạnh rằng tăng cường khả năng phòng không cho lực lượng Kiev là rất quan trọng. Xe tăng phương Tây được cho là dễ bị tổn thương bởi lực lượng máy bay quân sự hùng hậu của Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky xuống máy bay ở London (ảnh: Reuters)
Trong một diễn biến khác, máy bay quân sự chở Tổng thống Ukraine Zelensky cùng phái đoàn đã hạ cánh tại sân bay Stansted (London) lúc 10 giờ 30 phút hôm 8/2 (giờ Anh). Đích thân Thủ tướng Anh Rishi Sunak đón ông Zelensky tại sân bay.
“Anh là một trong những nước đầu tiên viện trợ cho Ukraine. Hôm nay, tôi có mặt ở London để gửi lời cảm ơn người dân Anh và Thủ tướng Sunak”, ông Zelensky viết trên mạng xã hội.
Cùng thời điểm ông Zelensky có chuyến thăm London, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, nước này sẽ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine lái chiến đấu cơ theo tiêu chuẩn NATO.
Đây sẽ là lần đầu tiên phi công Ukraine được chính thức tham gia khóa huấn luyện lái chiến đấu cơ theo tiêu chuẩn NATO, theo CNN.
Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Anh không đề cập tới khả năng cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ trong bối cảnh Kiev – Moscow xảy ra xung đột.
Hôm 8/2, chính phủ Anh cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, chủ yếu nhắm vào các công ty sản xuất thiết bị quân sự.
6 công ty sản xuất thiết bị quân sự Nga và 8 cá nhân (Anh không nêu rõ danh tính) bị đưa vào danh sách trừng phạt mới của London, theo CNN.
Vương Nam – RT, CNN