Bộ trưởng Kinh tế Serbia, Rade Basta là người có quan điểm thân phương Tây.
"Serbia đang phải trả giá đắt vì không trừng phạt Nga và khó khăn ngày càng chồng chất", ông Basta tuyên bố. "Tôi ủng hộ trừng phạt Nga và tôi hoàn toàn tin tưởng Tổng thống Aleksandar Vucic trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Tôi cho rằng, các bộ trưởng và nội các cần đưa ra quyết định về vấn đề này". Trong tuyên bố, ông Basta cũng đăng hình ảnh mình chụp với lá cờ Serbia, Mỹ và EU.
"Đây là một tình huống khác thường. Mỹ gây sức ép với Serbia và một Bộ trưởng Serbia lại kêu gọi trừng phạt Nga", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra tuyên bố phản hồi bình luận của ông Basta.
"Không giống Mỹ, Nga luôn tôn trọng Serbia và người dân Serbia. Ngay cả khi Serbia áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, áp lực của Mỹ đối với Serbia sẽ không chấm dứt mà chỉ tăng lên”, bà Zakharova nói.
Ngoại trưởng Serbia, Ivica Dacic nói ông vẫn cam kết ủng hộ các chính sách đối ngoại của Tổng thống Vucic.
Dragan Markovic, lãnh đạo đảng Serbia Thống nhất, đảng của ông Basta, nêu quan điểm "không ủng hộ trừng phạt bất kì ai và mong muốn xung đột Ukraine có thể sớm được giải quyết thông qua đàm phán".
Năm 2022, Serbia thông qua việc thành lập chính phủ mới. Trước sức ép của phương Tây, nhiều chính trị gia có quan điểm thân phương Tây được lựa chọn, bao gồm Bộ trưởng Kinh tế Rada Basta.
Ông Basta từng tuyên bố rằng đã đến lúc chấm dứt “sự sùng bái Nga” ở Serbia vì điều đó ngăn cản Belgrade tiến lên “con đường châu Âu”.
Một số đảng phái ở Serbia đã lên tiếng kêu gọi ông Basta từ chức, cho rằng với tuyên bố mới nhất như vậy, ông Basta đang muốn làm chia rẽ chính phủ Serbia, theo RT.
Serbia hiện duy trì lập trường trung lập, không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Nước này vẫn đặt mục tiêu lâu dài là gia nhập EU.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic từng nói rằng không thể cam kết sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga trong tương lai, nhưng sẽ cố gắng trì hoãn "đến khi nào có thể".
Đăng Nguyễn - RT