Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã xác nhận rằng bà đang vận động chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc loại bỏ một số thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc "không có tính chiến lược" nhưng gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.
Trong cuộc họp báo trước khi bắt đầu cuộc họp với các bộ trưởng tài chính G7 và các thống đốc ngân hàng trung ương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ chia sẻ rằng các cuộc thảo luận nội bộ đang được tiến hành về mức thuế trừng phạt "Mục 301" do cựu tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Bà Yellen nói: "Đối với tôi, một số loại trong số chúng dường như gây hại nhiều hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, chúng không có tính chiến lược cao trong việc giải quyết các vấn đề thực tế mà chúng ta gặp phải với Trung Quốc", hàm ý đến các hành vi thương mại không công bằng, các vấn đề an ninh quốc gia hoặc các lỗ hổng của chuỗi cung ứng.
Trong khi Bộ trưởng Tài chính Yellen lập luận về việc loại bỏ một số thuế quan, các nguồn tin cho biết Trưởng Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai bày tỏ muốn giữ nguyên thuế quan để phát triển một chương trình về thương mại Trung Quốc chiến lược hơn nhằm bảo vệ việc làm của Mỹ và kiểm soát hành vi Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Cách tiếp cận của bà Katherine Tai thậm chí có thể bao gồm các mức thuế chiến lược mới.
Nhiều mặt hàng Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế trừng phạt lên tới 25% nhưng ít liên quan đến mục tiêu cuộc điều tra “Mục 301” của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump về việc Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ. Thuế quan đối với hàng tiêu dùng từ xe đạp đến quần áo được áp đặt sau khi Trung Quốc trả đũa các đợt áp thuế ban đầu của chính quyền ông Trump.
Một số nhà kinh tế cả trong và ngoài chính quyền Mỹ, cùng với nhiều nhóm doanh nghiệp, đã ủng hộ việc cắt giảm thuế quan đối với Trung Quốc như một biện pháp nhằm kiềm chế đà tăng lạm phát do gián đoạn chuỗi cung ứng, sự phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch, chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Tư vừa qua đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dao động gần mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Lạm phát cao kéo dài đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (FED) hành động tích cực bằng cách tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng Năm - mức tăng lớn nhất trong vòng hai thập kỷ. Trước đó, FED đã nâng lãi suất chuẩn 0,25 điểm phần trăm vào tháng Ba. Ngân hàng trung ương cũng có kế hoạch giảm nắm giữ trái phiếu bắt đầu từ tháng Sáu.
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED, cho biết không thể đảm bảo cái gọi là “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, hàm ý rằng đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong khi vẫn giữ cho thị trường lao động vững mạnh.
Phạm Hà Thanh (theo Reuter, CNBC)