Tối 13/4, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc phát hiện biến thể mới của COVID-19 độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, gây tử vong rất nhanh.
Sau khi thông tin này lan truyền đã khiến nhiều người hoang mang chia sẻ rộng khắp.
Bộ Y tế khẳng định đây là tin giả. Tại nước ta, biến thể Omicron hiện chiếm ưu thế, chưa phát hiện biến thể mới.
(Ảnh minh họa).
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, công tác giải trình tự gen virus SARS-CoV-2 vẫn được các đơn vị triển khai. Tổ chức Y tế thế giới và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến thể mới của COVID-19 khác.
Theo báo cáo kết quả giám sát biến chủng của Tổ chức Y tế thế giới tuần qua, biến thể XBB.1.5 chiếm tỉ lệ 47,1% trong các trường hợp nhiễm bệnh.
Đến nay biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện tại 94 quốc gia. Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron xuất hiện trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại Việt Nam, biến thể XBB.1.5 xuất hiện từ tháng 1 năm nay và cũng được Bộ Y tế cảnh báo biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn. Cho đến nay, Bộ Y tế chưa công bố thêm biến chủng mới xuất hiện tại Việt Nam.
Theo WHO, XBB.1.5 có tốc độ lây lan rất nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu biến thể XBB.1.5 có khiến bệnh nặng hơn hay không cũng như tỷ lệ nhập viện, tử vong do chủng này.
Các dữ liệu tính đến thời điểm hiện tại cho thấy, XBB.1.5 không gây ra triệu chứng khác biệt so với các chủng COVID-19 gần đây.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện ca mắc COVID-19 tăng nhưng không có tử vong, tỷ lệ chuyển nặng tăng hơn so tháng trước 5 ca. Dù vậy, chúng ta vẫn cần cảnh giác để có biện pháp đáp ứng kịp thời với COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác.
Để giảm bớt sự lây nhiễm, GS Lân khuyến cáo người dân thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) + Vắc-xin. Tại các sở khám chữa bệnh, trên các phương tiện công cộng người dân cần đeo khẩu trang. Đối tượng nguy cơ cao cũng cần chủ động đeo khẩu trang để phòng bệnh cho bản thân.
Diệu Thu