Ngày 25/10, Bộ Y tế đã có công điện số 1700/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã bước đầu hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh; số ca mắc và tử vong đã giảm rõ rệt. Các địa phương đã từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội chuyển sang thực hiện nghị quyết số 128/NQ-CP về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Tuy nhiên, trong thời gian này, số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Một số địa phương, nơi người dân trở về, đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm ca nhiễm trong ngày.
Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát tất cả người đi về từ những tỉnh, thành phố có số mắc cao (như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...).
Các tỉnh cần tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch. Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với tình huống diễn biến dịch Covid- 19 theo từng cấp độ trên địa bàn không để bị động. Đặc biệt, các tỉnh cần tăng cường năng lực y tế, có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động.
Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân về từ khu vực có dịch chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức thực hiện việc đánh giá, cập nhật và công bố cấp độ dịch để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ, từng địa bàn (trên phạm vi nhỏ nhất có thể).
Trước đó, phát biểu tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với các điểm cầu UBND tỉnh, thành phố chiều ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch nhưng các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
"Chúng tôi bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch", Bộ trưởng Y tế nói đồng thời đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn Tp.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Sức khỏe và Đời sống)