Sau phiên bán tháo ngày 7/2, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận đà phục hồi trong phiên giao dịch ngày 8/2 khi chốt phiên, VN-Index tăng 6,38 điểm (+0,6%), lên 1.072,22 điểm với 210 mã tăng, trong khi chỉ còn 188 mã giảm. Chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mức tăng 0,62 điểm (+0,29%), lên 210,62 điểm với 92 mã tăng và 69 mã giảm. Trong khi đó, bộ chỉ số UPCoM-Index cũng tăng 0,89 điểm (+1,18%), lên 76,43 điểm với 127 mã tăng và 114 mã giảm.
Trái ngược với đà phục hồi của thị trường chung, kết phiên giao dịch ngày 8/2, mã cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt do đại gia Nguyễn Văn Đạt giữ vị trí Chủ tịch tiếp tục ghi nhận mức giảm 450đ/cổ phiếu tương đương mức giảm 3,52% để đóng cửa ở mức giá 12.350đ/cổ phiếu. PDR là một trong những mã ghi nhận mức giảm lớn nhất trong rổ chỉ số VN30. Đây cũng là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của mã cổ phiếu này. Trước đó, ở phiên giao dịch ngày 7/2, PDR đã ghi nhận mức giảm 950đ/cổ phiếu tương đương mức giảm 6,91% cùng đà lao dốc của thị trường.
Đà giảm của PDR trong phiên giao dịch ngày 8/2 tiếp tục khiến khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt “bốc hơi” gần 130 tỷ đồng. Chỉ tính hai phiên gần nhất, khối tài sản của đại gia 53 tuổi này đã ghi nhận mức giảm hơn 403 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 8/2, khối tài sản ông Đạt trực tiếp sở hữu giảm còn 3.563 tỷ đồng.
Khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt giảm hơn 400 tỷ đồng chỉ trong 2 ngày gần nhất
Mới đây, PDR của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt đã công bố ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 là 28/2/2023. Thời gian tổ chức cuộc họp dự kiến là vào tháng 3 tới đây.
ĐHĐCĐ thường niên năm nay được tổ chức trong bối cảnh Phát Đạt đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của PDR, ghi nhận doanh thu ở mức 14,63 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.229 tỷ đồng của quý 4/2021. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lên tới 28,6 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận lỗ gộp gần 14 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, PDR ghi nhận tổng doanh thu 1.504,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.169,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 58,4% và 37,1% so với cùng kỳ 2021.
Sau phiên phục hồi nhẹ của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 9/2, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường có thể xuất hiện những nhịp giảm để chỉ số đại diện VN-Index kiểm định khu vực hỗ trợ ngắn hạn và trung hạn tại 1.055-1.057 điểm. Nếu lực bán thể hiện xấu hiệu suy yếu với một phiên giảm với thanh khoản thấp và được đối trọng tốt bởi lực mua quanh hỗ trợ quanh trọng, VN-Index có thể sẽ hình thành điểm cân bằng ngắn hạn, tạo nền cho sự hồi phục kỹ thuật sau đó. Ngược lại, nếu lực bán gia tăng mạnh khiến VN-Index vi phạm hỗ trợ tại 1.055 điểm, chỉ số có thể sẽ tiếp tục thoái lui xuống vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 1.040 điểm.
CTCK Asean dự báo chỉ số VN-Index có thể giao dịch giằng co trong phiên sáng giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.060-1.070 điểm, và lực bán tại vùng kháng cự 1.080- 1.090 điểm, trước khi có xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng thị trường có thể sẽ giảm nhẹ và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.054-1.070 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thế sẽ tiếp tục đi ngang với biên độ hẹp và các phiên tăng giảm đan xen, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm và ở mức bi quan.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng. Đồng thời, các nhà đầu tư hạn chế mua mới trong giai đoạn này.
Hoàng Anh