“Bom hạt nhân” tài chính Nga đang gánh chịu

“Bom hạt nhân” tài chính Nga đang gánh chịu

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 2, 28/02/2022 14:02

Kể từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nền kinh tế nước Nga cũng đang phải gánh chịu những hậu quả tức thì từ cuộc chiến.

Cuối tuần qua, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã đồng ý loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT và nhắm mục tiêu vào dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nhằm ngăn cản nước này triển khai các biện pháp làm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt.

"Đây giống như là một loại bom hạt nhân tài chính đang rơi xuống Nga", Sergei Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Tài chính Nga kiêm Phó Thống đốc CBR, cho biết trong một video blog.

Các thị trường đều biến động mạnh trong phiên mở cửa đầu tiên kể từ sau khi các biện pháp trừng phạt bổ sung áp đặt lên Nga được công bố.

Giá dầu tăng, chứng khoản giảm

Giá dầu đã tăng vọt lúc mở cửa, thị trường năng lượng và hàng hóa rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi các quốc gia phương Tây tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Nga, Bloomberg cho biết.

Giá của cả dầu WTI và Brent đã tăng hơn 7% trong giao dịch đầu giờ tại châu Á.

Tuần trước, khi Nga bắt đầu cuộc chiến, giả của cả dầu WTI và dầu Brent đều vượt mốc 100 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu đã hạ nhiệt sau khi Mỹ nhắc lại quyết định không trừng phạt xuất khẩu năng lượng của Nga.

Trong một động thái gây bất ngờ, BP Plc (Anh) đã xúc tiến bán cổ phần của mình trong công ty dầu khí Nga Rosneft PJSC, thu về khoản tài chính lên tới 25 tỷ USD. Động thái của BP là dấu hiệu mới nhất cho thấy các cường quốc phương Tây sẵn sàng trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông tại Ukraine.

Hai công ty dịch vụ tài chính lớn của châu Âu là Societe Generale SA (Pháp) và Credit Suisse Group AG (Thụy Sĩ) đã ngừng tài trợ cho hoạt động kinh doanh hàng hóa từ Nga, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết. Hai nhà cung cấp tài chính chủ chốt cho thương mại hàng hóa không còn cung cấp tài chính cần thiết để vận chuyển nguyên liệu thô như kim loại và dầu từ Nga.

Thế giới - “Bom hạt nhân” tài chính Nga đang gánh chịu

Dầu thô Urals của Nga giao dịch với giá chiết khấu ở mức 11,60 USD mỗi thùng so với dầu thô Brent hôm 25/2/2022. Đây là mức giảm giá sâu nhất trong 11 năm đối với loại dầu hàng đầu của Nga. Ảnh: TASS

Cuối tuần qua, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã đồng ý loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT và nhắm mục tiêu vào dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

Thị trường hàng hóa và tài chính đang gồng mình chuẩn bị cho tình trạng hỗn loạn hơn nữa có thể xảy ra do hậu quả ngày càng gia tăng từ cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine và phản ứng của phương Tây thông qua các lệnh trừng phạt.

Hợp đồng tương lai của Mỹ giảm, với hợp đồng chỉ số S&P 500 giảm 2,5%, sau khi thị trường giảm vào tuần trước do xung đột leo thang ở Ukraine.

Thị trường chứng khoán ở Tokyo, Hồng Kông và Thượng Hải giảm trong khi Sydney tăng cao hơn.

Đồng rúp Nga suy yếu

Đồng rúp Nga đã suy yếu mạnh, giảm gần 30% trong giao dịch ra nước ngoài, làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của đồng tiền này, theo Bloomberg.

Người Nga được nhìn thấy xếp hàng dài tại các máy rút tiền trên khắp đất nước để rút ngoại tệ khi các lệnh trừng phạt mới nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì xung đột quân sự ở Ukraine làm dấy lên lo ngại đồng rúp có thể sụp đổ, Bloomberg đưa tin.

Người dân đổ xô mua ngoại tệ bất chấp việc đồng USD được bán với giá cao hơn 1/3 so với mức đóng cửa của thị trường hôm 25/2, Bloomberg cho biết. Cú sốc xảy ra khi thông tin lan truyền rộng rãi đến người Nga rằng châu Âu đang đóng cửa không phận đối với Nga và các hệ thống thanh toán phổ biến với người dân như ApplePay sẽ ngừng hoạt động.

Việc phần lớn châu Âu đóng cửa không phận của mình đối với máy bay Nga có thể gây khó khăn cho việc vận chuyển tiền mặt vào nước này.

Thế giới - “Bom hạt nhân” tài chính Nga đang gánh chịu (Hình 2).

Hàng dài người xếp hàng tại các máy ATM trên khắp nước Nga để rút ngoại tệ. Ảnh: BBC

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hôm 27/2 đã công bố một loạt các biện pháp để hỗ trợ thị trường trong nước. Họ đang cố gắng quản lý hậu quả của các lệnh trừng phạt liên quan đến việc gián đoạn kết nối với SWIFT, theo Reuters.

CBR cho biết, họ sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước, thực hiện đấu giá mua lại không có giới hạn và giảm bớt các hạn chế đối với các vị thế ngoại tệ mở của các ngân hàng.

Đồng rúp đã giảm giá mạnh khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần. Tỉ giá hối đoái của các ngân hàng Nga rất khác nhau. Tại ngân hàng Alfa là 98,08 rúp cho 1 USD, tại Sberbank là 99,49 rúp cho 1 USD, tại VTV Group là 105 rúp cho 1 USD, và thậm chí tại ngân hàng Otkritie là 115 rúp cho 1 USD. Trong khi cuối tuần trước (ngày 25/2), đồng rúp giao ngay trên sàn giao dịch Moscow đóng cửa ở mức 83 rúp cho 1 USD.

Các nhà phân tích tại Rabobank cho biết, các lệnh trừng phạt đối với dự trữ tiền tệ đã loại bỏ những hỗ trợ ít ỏi mà đồng rúp có được.

"Ngay cả vàng cũng không có tính thanh khoản nếu không ai có thể sử dụng ngoại hối để đổi lấy nó. Sẽ có một sự sụp đổ hoàn toàn trong ngày hôm nay của đồng rúp...", các nhà phân tích cho biết.

Ray Attrill, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Úc, cho biết trong một ghi chú hôm 27/2, "sự sụp đổ của đồng rúp dường như không thể tránh khỏi vào sáng thứ Hai (28/2)".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.