Cách đây không lâu hàng loạt trang tin tức nổi tiếng của Trung Quốc như Sohu, Aboluowang... đồng loạt đưa tin về việc một gia đình có 4 người tại nước này (danh tính được giấu kín) lần lượt bị phát hiện mắc ung thư máu.
Thông tin khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng, không biết vì đâu mà cả 4 thành viên trong cùng một gia đình lại đều bị chẩn đoán mắc căn bệnh nan y như vậy.
Sau khi tìm hiểu về chế độ ăn uống lẫn sinh hoạt của gia đình này, bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do thói quen thường xuyên ăn bún, mì sợi kém chất lượng, cụ thể là bị tẩm Formaldehyde (hay còn gọi là Formol).
Chúng ta đều biết bún tươi làm từ bột gạo có hạn sử dụng ngắn. Vì thế nhiều cơ sở sản xuất bất chấp sức khỏe người dùng mà thêm chất Formaldehyde vào để kéo dài thời gian sử dụng, tăng độ dai, giòn cũng như tăng độ sáng của sợi bún hoặc mì phở.
Formaldehyde vốn là một chất rất độc hại, tiếp xúc trực tiếp có thể gây chảy nước mắt, ho, viêm họng, viêm kết mạc, co thắt phế quản. Tiêu thụ formaldehyde trong thời gian dài sẽ gây suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, khó thở, tổn thương gan và thận, thậm chí có thể dẫn tới bệnh ung thư máu, ung thư vòm họng, ung thư hạch, xuất hiện khối u trong não.
Theo các chuyên gia, nếu là bún nguyên chất, không thêm phụ gia độc hại thì khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và ngả sang màu vàng nhạt. Trong khi bún có chứa Formaldehyde thường trắng sáng, rất dễ nhận biết. Bên cạnh đó chúng ta có thể phân biệt bún tẩm Formaldehyde dựa vào một số tiêu chí sau:
-Sợi bún (phở) bình thường rất nhanh chín, sợi mềm, dễ đứt và thơm mùi gạo. Mì tẩm Formaldehyde thì dai hơn, không rõ mùi gạo.
-Bún (phở) tươi có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 2 ngày, nếu ở nhiệt độ phòng tốt nhất là ăn trong ngày nếu không sẽ có vị chua và hư hỏng. Còn mì đã tẩm Formaldehyde thì có thể 3-4 ngày sau vẫn không có dấu hiệu biến chất.
- Bún (phở) sạch nên mua ở những nơi uy tín hoặc có nguồn gốc rõ ràng. Bún không rõ nơi sản xuất, không có nhãn mác rất dễ bị tẩm Formaldehyde.
Ngoài bún phở, Formaldehyde có thể xuất hiện trong một số thực phẩm, đồ dùng quen thuộc như:
- Đồ ăn vặt kém chất lượng
Nhiều cơ sở hoặc xưởng sản xuất đồ ăn vặt nhỏ lẻ, không có chứng nhận an toàn thực phẩm thường vì lợi nhuận mà tẩm Formaldehyde để kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm để bán được lâu hơn.
- Hải sản đông lạnh
Tương tự, để hải sản lâu bị hư hỏng, bốc mùi, nhiều nơi sẽ ngâm hoặc phun Formaldehyde vào.
- Bát giả sứ kém chất lượng
Bát giả sứ thường có thành phần chính là nhựa melamine, chỉ chịu được nhiệt độ từ 0 – 120 độ C. Nếu dùng để đựng thực phẩm ở nhiệt độ quá cao, chẳng hạn như dầu nóng, một phần nhựa melamine sẽ bị phân hủy và tạo thành nhiều chất có hại như Formaldehyde. Đặc biệt với bát giả sứ kém chất lượng thì càng nguy hiểm.
- Một số loại quần áo
Formaldehyde được sử dụng trong quá trình sản xuất quần áo để chống nhăn, chống co rút, chống cháy, giúp giữ vải in hoặc màu nhuộm bền màu. Vì vậy, khi mua quần áo, nhất là cho trẻ nhỏ các bạn nên chọn những nhãn hiệu thời trang uy tín, càng ít in hoạ tiết càng tốt. Trước khi sử dụng đồ mới cần phải giặt sạch và phơi khô. Sơn móng tay, lông mi giả hay ốp điện thoại kém chất lượng cũng có thể chứa Formaldehyde.
Ngoài ra bạn nên lưu ý một số triệu chứng cảnh báo bệnh bạch cầu (ung thư máu) như sau:
- Sốt liên tục không rõ nguyên nhân: Sốt là triệu chứng đầu tiên thường gặp nhất. Nếu bị sốt không rõ nguyên nhân, liên tục, đừng chủ quan cho rằng đó là cảm lạnh thông thường.
- Thiếu máu: Khi bị ung thư máu, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng giống thiếu máu như mặt tái xanh, chóng mặt, mệt mỏi, ăn không ngon.
- Xuất huyết: Đây là triệu chứng thường gặp và điển hình ở những bệnh nhân ung thư máu, thường là chảy máu cam và chảy máu chân răng. Nếu là phụ nữ thì kinh nguyệt có thể tăng lên bất thường.
Minh Hoa (t/h)