Bóng đá Trung Quốc: Vung tiền tỉ nuôi mộng dự World Cup và cái kết…

Bóng đá Trung Quốc: Vung tiền tỉ nuôi mộng dự World Cup và cái kết…

Huỳnh Tấn Thọ

Huỳnh Tấn Thọ

Thứ 7, 12/02/2022 15:37

Vội vã xây một toà cao ốc dưới một cái móng cụt lủng đang khiến bóng đá Trung Quốc chìm trong thất vọng.

Đằng sau độ "chịu chơi" của các CLB Trung Quốc

Chinese Super League (CSL) từng là giải đấu thu hút được nhiều sự chú ý của giới mộ điệu trên toàn thế giới. Tất nhiên, điều làm giải đấu được nhiều người biết đến không hẳn vì chất lượng chuyên môn mà chỉ đơn giản vì độ “chịu chơi” của những đội bóng ở đây.

Carlos Tevez từng là biểu tượng cho sự giàu có và “chịu chơi” của Chinese Super League, khi anh gia nhập Shanghai Shenhua tháng 12/2017 với mức lương khổng lồ 615.000 bảng/ 1 tuần. Nó tương đương với việc cựu tiền đạo của Man United và Man City kiếm được 1 bảng mỗi giây. Nhưng ngôi sao người Argentina đã rời đi sau đó 7 tháng, đút túi 32 triệu bảng và mô tả khoảng thời gian ở Trung Quốc giống như "một kỳ nghỉ".

Tevez có trận đầu tiên cho Shanghai Shenhua vào tháng 2/2017, khi đội bóng này chạm trán Brisbane Roar của Australia tại trận quyết định tại vòng play-off AFC Champions League. Shanghai Shenhua phải thắng nếu muốn lọt vào vòng bảng giải đấu mà họ chưa được tham dự trong suốt 6 năm. Kết quả, đội bóng của Tevez thua 0-2. Tiền đạo người Argentina không tạo ra được dấu ấn gì. Những tin đồn nói rằng Tevez hoàn toàn thất vọng với chất lượng chuyên môn của giải CSL.

Bóng đá Việt Nam - Bóng đá Trung Quốc: Vung tiền tỉ nuôi mộng dự World Cup và cái kết…

Có nhiều giả thiết được đặt cho phong độ tồi tệ của Tevez tại Shanghai Shenhua. Sự cô lập của những đồng đội người Trung Quốc là một trong số đó. Thậm chí, Gervinho, cựu cầu thủ Arsenal và Roma tiết lộ anh phải trích một khoản tiền lương kếch xù của mình và… chia cho các đồng đội Trung Quốc để họ chuyền cho anh trên sân đấu. Khoản tiền này có thể lên tới…50.000 bảng/trận.

Những góc tối của bóng đá Trung Quốc không phải chỉ mới xuất hiện 'ngày một ngày hai'. Thế nhưng chính bởi sự chịu chơi của các CLB Trung Quốc đã biến CSL trở thành mảnh đất màu mỡ cho những cầu thủ nào muốn đổi đời. Có thể kể đến những cái tên như Oscar, Paulinho, Marouane Fellaini đã lũ lượt chia tay nước Anh để chuyển đến thi đấu tại CSL.

Việc liên tục có được sự phục vụ của những ngôi sao này, CSL đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước, còn hiện tại, CSL đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Trong 12 tháng qua, bóng đá Trung Quốc sa sút trầm trọng. Liên tiếp xuất hiện tình trạng nhiều cầu thủ bị nợ lương, thậm chí một số khác còn phải tự mang quần áo về nhà giặt.

Ngoài ra, sự quan tâm của các CĐV Trung Quốc cho giải vô địch quốc nội cũng không còn được như trước. Theo thống kê, kể từ khi CSL trở lại sau dịch COVID-19 hồi tháng 10/2021, số lượng trung bình các CĐV đến theo dõi tại SVĐ chỉ đạt khoảng 4.656 người. Con số này thậm chí chỉ bằng với lượng CĐV đến sân theo dõi đội Walsall thi đấu ở giải hạng 2 nước Anh.

"Giấc mơ bóng đá" của người Trung Quốc

Lần gần nhất bóng đá Trung Quốc tham dự một kì World Cup là vào năm 2002. Cột mốc này đã tạo ra một làn sóng cuồng nhiệt trên khắp đất nước tỉ dân, với một thế hệ người hâm mộ say mê với quả bóng tròn. Tất nhiên, sự quan tâm của người hâm mộ đã khiến cho lãnh đạo nước này đề ra kế hoạch “Giấc mơ bóng đá” với mục tiêu đưa bóng đá Trung Quốc phát triển và một lần nữa góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Bóng đá Việt Nam - Bóng đá Trung Quốc: Vung tiền tỉ nuôi mộng dự World Cup và cái kết… (Hình 2).

Theo kế hoạch, những lãnh đạo nước này đã chia nguồn lực ra làm hai: Một vươn ra châu Âu, thâu tóm các CLB danh tiếng như Inter, Southampton, Wolves... Một đưa những ngôi sao thế giới về Super League, đồng thời tạo bàn đạp đưa những cầu thủ bản địa giỏi ra nước ngoài.

Ngoài ra, để đẩy mạnh sự phát triển của bóng đá nước nhà, các lãnh đạo đã bắt đầu hợp tác với những công ty bất động sản và đặt tên đội bóng bằng chính nhà tài trợ của mình với mục tiêu đẩy mạnh thương hiệu ra quốc tế.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, mô hình này chỉ xuất ngoại duy nhất một trường hợp của Wu Lei tại Espanyol. Chính xác hơn, những người làm bóng đá Trung Quốc chỉ làm tốt phần việc đầu tiên, nghĩa là sẵn sàng trả những con số trên trời cho Tevez, thậm chí là Gareth Bale hay Cristiano Ronaldo nếu họ gật đầu tới xứ tỉ dân. Phần nhiệm vụ còn lại, họ quay sang nhập khẩu cầu thủ Hoa kiều, thay vì xuất khẩu cầu thủ như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm.

Mặt khác, sự sụp đổ của Jiangsu FC đã khiến cho CSL càng lúng sâu vào ‘bãi lầy’. Việc một trong những câu lạc bộ lớn nhất biến mất, cùng với đó những cầu thủ không được trả lương, thu hút chú ý của dư luận đến dự án từng được xem như nền tảng nỗ lực biến Trung Quốc thành siêu cường bóng đá của lãnh đạo nước này.

Rob Wilson - chuyên gia tài chính bóng đá tại Đại học Sheffield Hallam chia sẻ: “Trung Quốc đang cố gắng để dùng tiền mua 150 năm lịch sử”.

“Những gì Trung Quốc đặt ra là đẩy nhanh vị thế của họ như một siêu cường quốc về bóng đá để một đội Trung Quốc có thể tham dự hay thậm chí là vô địch World Cup. Những gì họ đã chứng minh là đơn giản là không thể làm được điều đó. Những gì họ còn lại là một hệ thống thảm hại.

Bóng đá Việt Nam - Bóng đá Trung Quốc: Vung tiền tỉ nuôi mộng dự World Cup và cái kết… (Hình 3).

Các cầu thủ nước ngoài hàng đầu đã bị chấm dứt hợp đồng, với những người như Renato Augusto và Fernando Martins đã kháng cáo lên FIFA để phàn nàn về các khoản tiền lương vẫn chưa được đội chủ quản thanh toán. Trong khi đó, hậu vệ Miranda người Brazil đã bị nợ hơn 10 triệu USD khi Jiangsu Suning tuyên bố đóng cửa. Các luật sư của anh đang gặp rất nhiều khó khăn để đòi được khoản lương này. “

Jonas Baer-Hoffmann, Tổng thư ký hiệp hội cầu thủ FIFPro, cho biết: “Họ là những cầu thủ ít có cơ hội tiếp cận thị trường chuyển nhượng bóng đá quốc tế. Nếu câu lạc bộ của họ phá sản, cơ hội tiếp tục sự nghiệp bóng đá rất mong manh. Do đó, nó có thể khiến họ phải từ giã sự nghiệp.”

Cái kết của việc vung tiền tỉ nuôi mộng World Cup

Để ngăn các CLB trong nước đưa ra mức lương cao ngất ngưỡng với những ngôi sao nước ngoài, các lãnh đạo nước này đã quyết định đánh thuế đối với các bản hợp đồng nước ngoài, trước khi giới hạn lương được đưa ra ở mùa giải này, nghĩa là một cầu thủ nước ngoài có thể kiếm không quá 3 triệu euro (2,5 triệu bảng) trong một năm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đã bị cấm sử dụng chúng như một công cụ quảng cáo vì họ không còn được phép đặt tên công ty của riêng mình cho các câu lạc bộ.

Một trong những vấn đề khác mà các CLB Trung Quốc đối mặt là lịch trình thi đấu không chắc chắn. Vào tháng 7, liên đoàn bóng đá nước này thông báo giảm số trận đấu từ 30 xuống 22, đòn giáng lớn đối với các câu lạc bộ đang khao khát doanh thu, cũng như điều chỉnh lịch để phù hợp với chiến dịch vòng loại World Cup của đội tuyển quốc gia.

"Nếu một giải đấu dễ dàng thay đổi đến mức có thể tạm dừng và bắt đầu lại theo lịch trình đội tuyển quốc gia, bạn có thể nhìn ra ưu tiên được đặt ở đâu", Zhe Ji, giám đốc Red Lantern, công ty tiếp thị thể thao cho các đội bóng hàng đầu châu Âu, nói. "Nó chắc chắn không còn nằm ở giải đấu nữa".

Bóng đá Việt Nam - Bóng đá Trung Quốc: Vung tiền tỉ nuôi mộng dự World Cup và cái kết… (Hình 4).

Rõ ràng, mục tiêu ưu tiên của các lãnh đạo bóng đá Trung Quốc là dùng mọi cách để biến đội tuyển quốc gia nước này một lần nữa xuất hiện ở 1 kì World Cup. Nhưng sau thất bại trước ĐT Việt Nam hôm 1/2 vừa qua, giấc mộng này một lần nữa đã tan thành mây khói. Tất nhiên, điều này khiến cho dư luận của Trung Quốc tức giận bởi chính sách nhập tịch ồ ạt của đội nhà.

Một câu chuyện tiêu cực khác cũng liên quan đến nền bóng đá của Trung Quốc vừa mới được đưa tin. Các cầu thủ nước này nếu muốn vào các cấp độ ĐT Trung Quốc thì phải mua suất.

Nhà báo Liu Jianhong chia sẻ trên trang cá nhân: “Bạn có biết không? Trong nền bóng đá Trung Quốc, mức giá để được vào đội tuyển quốc gia được quy định rõ ràng. Thậm chí, chỉ cần chuyển khoản, bạn có thể chơi bao nhiêu trận tùy thích”.

Như đã phân tích ở trên, thành tích góp mặt tại World Cup 2002 đã đẩy mạnh tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc lên cao.  Xây dựng một đội tuyển quốc gia chất lượng và có năng lực vẫn là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển bóng đá của Trung Quốc. Nhưng việc không kiểm soát được từng bước tiến của giải quốc nội đã khiến giấc mộng của các lãnh đạo Trung Quốc gần sụp đổ. Vội vã xây một toà cao ốc dưới một cái móng cụt lủng đang khiến bóng đá Trung Quốc chìm trong thất vọng.

Minh Viễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.