Tại buổi công bố báo cáo tình hình thị trường BĐS năm 2019, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, năm 2019 có khá nhiều tác động ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
"Về vấn đề rà soát việc thi hành pháp luật của các dự án trong các quy định pháp luật về đầu tư, quy định về đất đai, theo tôi, đây là yếu tố mạnh nhất mà diễn ra trên diện rộng chưa từng có trên thị trường BĐS Việt Nam. Ngoài ra, các vấn đề về thủ tục pháp lý vẫn chưa được giải quyết, tháo gỡ, trong đó có pháp lý về condotel và xử lý về nhưng bật cập của quy định pháp luật dẫn đến việc phải rà soát lại, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường BĐS Việt Nam 2019", Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Môi giới BĐS Việt Nam thông tin.
Số liệu trong báo cáo chỉ rõ, lượng cung và lượng giao dịch của năm 2019 sụt giảm rất mạnh so với năm 2017 – 2018.
Theo số liệu trong văn bản báo cáo tình hình thị trường BĐS năm 2019, tại Hà Nội lượng cung chào bán trên toàn thị trường cả năm 2019 là 22.518, lượng đủ điều kiện bán hàng là 26.809 sản phẩm, lượng giao dịch đạt được là 14.722 sản phẩm, giảm 3.019 sản phẩm so với năm 2018.
Lượng cung/giao dịch chung cư năm 2019 cũng sụt giảm. Cụ thể, nguồn cung giảm 23,7% và giao dịch giảm tới 46,6% so với năm trước. Trong đó, lượng cung đủ điều kiện bán hàng có 58 dự án được sở Xây dựng Hà Nội ra văn bản chấp thuận đủ điều kiện đưa sản phẩm vào thị trường. Nếu xét với các năm thì đây là một tỷ lệ hấp thụ là thấp so với các năm trước.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng chia sẻ: "Năm 2019, có rất nhiều hiện tượng gây mất cân đối của thị trường BĐS Hà Nội. Có thể nhận thấy, lượng cung tập trung chủ yếu chỉ ở một số khu vực như: Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm; lượt cung rời xa với nhu cầu mua nhà đầu tư tại các khu vực này. Trong khi đó, các quận có đông dân cư và đông người lao động sinh sống nhất thì chúng ta lại không phát triển được, bởi vì lý do hạn chế về quỹ đất phát triển các dự án".
"Bên cạnh đó, giá thị trường BĐS tại Hà Nội duy trì ổn định, mấy năm gần đây không tăng và đây cũng là một nguyên nhân của nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu cơ BĐS tại Hà Nội giảm đi rõ rệt. Đặc biệt, khiến các đầu cơ nhỏ chạy khỏi Hà Nội bởi vì chờ "chênh lệch" và được lãi rất khó".
Ngoài ra, nội dung văn bản báo cáo còn nêu rõ các yếu tố tác động đến thị trường BĐS năm 2019:
Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt nguồn vốn tín dụng vào BĐS;
Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung và vấn đề chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu;
Động thái rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình giao đất, cấp phép xây dựng cho các dự án phát triển BĐS. Quá trình phê duyệt đầu tư, phát triển dự án BĐS được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ;
Hệ thống các văn phản pháp lý liên quan đến Bất động sản còn chưa đồng bộ;
Hàng loạt các Dự án không đáp ứng các yêu cầu pháp lý được rao bán công khai trên thị trường;
Thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản;
Chi phí đầu tư, phát triển Dự án tăng cao: đền bù, giải phóng mặt băng, nhân công, lãi suất, vật liệu,…