Bức tranh kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành

Bức tranh kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 5, 09/09/2021 07:55

Đại dịch đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh trên khắp thế giới, dẫn đến một đợt suy thoái mới ở các thị trường mới nổi.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, và trong tháng Tám đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Nguyên nhân được cho là do sự hoành hành của biến thể Delta.

Chỉ số PMI toàn cầu - JPMorgan Global PMI™ (do IHS Markit tổng hợp) - ở mức 52,6 trong tháng Tám, giảm mạnh so với mức 55,8 trong tháng Bảy.

Chỉ số ở mức trên 50 cho thấy sự mở rộng, và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.

Mặc dù chỉ số này vẫn duy trì ở mức phù hợp với GDP toàn cầu, dữ liệu mới nhất cho thấy tốc độ mở rộng hiện đã chậm lại trong ba tháng liên tiếp và ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Tăng trưởng chậm lại xảy ra vào thời điểm số ca nhiễm Covid-19 đang tăng lên trên khắp thế giới, do sự hoành hành của biến thể Delta siêu lây nhiễm. Điều này đã dẫn đến việc các biện pháp hạn chế, phong tỏa liên quan tới Covid-19 ở một số quốc gia không những không được nới lỏng mà còn bị thắt chặt hơn.

Một số nền kinh tế lớn như Anh, Khu vực đồng euro (Eurozone), Ấn Độ và Brazil đã giảm bớt các hạn chế phòng chống Covid-19 hồi tháng Tám. Trong khi đó, các biện pháp kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã được thắt chặt ở Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc cũng như ở một số nền kinh tế châu Á định hướng sản xuất nhỏ hơn.

Thế giới - Bức tranh kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành

Lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi tác động của biến thể Delta. Ảnh: Business Times

Điều này dẫn đến việc các biện pháp ngăn chặn Covid-19 trên toàn cầu không có gì thay đổi về mặt tổng thể, sau sáu tháng các hạn chế này liên tục được giảm bớt.

Tốc độ tăng trưởng suy yếu đối với cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng Tám, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021 trong lĩnh vực dịch vụ. Đáng chú ý, xuất khẩu dịch vụ toàn cầu giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi lĩnh vực này bắt đầu phục hồi vào tháng 7/2020.

Sức màu tươi sáng ở Eurozone 

Nhìn vào các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, sự suy giảm nhanh chóng được ghi nhận ở Mỹ và Anh, với tốc độ mở rộng lần lượt trượt xuống mức thấp nhất trong tám và sáu tháng, mặc dù cả hai nền kinh tế đều hoạt động mạnh mẽ trong quý II/2021. Cả hai nền kinh tế này đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng của khu vực sản xuất và dịch vụ suy yếu, với hoạt động bị cản trở bởi gián đoạn nguồn cung và thiếu lao động, cũng như số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Khu vực đồng euro ghi nhận mức tăng trưởng đồng đều hơn nhiều so với Mỹ và Anh, khiến Eurozone trở thành khu vực hoạt động tốt nhất trong số các nền kinh tế phát triển lớn trong tháng thứ hai liên tiếp.

Ngành dịch vụ của Eurozone tăng trưởng cao hơn so với ở Mỹ và Anh, mặc dù Eurozone bắt đầu quá trình phục hồi muộn hơn.

Lĩnh vực sản xuất của Eurozone cũng tiếp tục hoạt động tốt hơn ngành dịch vụ, bất chấp các vấn đề với nguồn cung linh kiện cho nhiều nhà máy, giúp duy trì tốc độ mở rộng chung của Eurozone ở mức nhanh nhất trong 16 năm.

Đáng chú ý, tình trạng thiếu lao động ít được báo cáo rộng rãi hơn ở khu vực đồng euro so với ở Mỹ và Anh. Thậm chí, các công ty của Mỹ ghi nhận sự sụt giảm số lượng nhân viên lần đầu tiên kể từ khi quá trình phục hồi của thị trường việc làm bắt đầu hơn một năm trước.

Trong khi đó, Nhật Bản chứng kiến hoạt động kinh doanh ngày càng sa sút, với sản lượng giảm trong tháng thứ tư liên tiếp và ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi biến thể Delta gây gián đoạn hoạt động.

Mảng màu ảm đạm ở các thị trường mới nổi

Trong số bốn thị trường mới nổi lớn nhất, Trung Quốc có hoạt động kém hiệu quả nhất, với sản lượng giảm sau 15 tháng tăng trưởng liên tục. Tăng trưởng ở cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều giảm, dẫn đến sự sụt giảm tổng thể lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của nước này kể từ tháng 3/2020. Sản lượng sụt giảm chủ yếu là do sự bùng phát của các ca dương tính với Covid-19.

Thế giới - Bức tranh kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành (Hình 2).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng dữ liệu Q3.2021 là bằng chứng cần thiết khiến các nhà hoạch định chính sách thay đổi cách quản lý dịch bệnh nhằm tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi. Ảnh: Financial Times

Tương tự, sản lượng một lần nữa sụt giảm ở Nga trong bối cảnh số ca nhiễm Covid gia tăng, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 7 tháng. Cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nước này đều sụt giảm.

Tuy nhiên, có tin tốt hơn từ Ấn Độ và Brazil. Ở hai thị trường này, cả ngành sản xuất và dịch vụ đều ghi nhận sự mở rộng sau các đợt suy thoái liên quan đến biến thể Delta.

Tại Ấn Độ, sự mở rộng được ghi nhận lần đầu tiên kể từ tháng Tư. Còn ở Brazil, sự mở rộng được ghi nhận trong ba tháng liên tiếp. Trong tháng Tám, ngành dịch vụ của Brazil chứng kiến tốc độ mở rộng lớn nhất kể từ năm 2012.

Do sự suy thoái được ghi nhận ở Trung Quốc và Nga, sản lượng trên toàn bộ các thị trường mới nổi đã sụt giảm lần đầu tiên trong tháng Tám kể từ tháng 6/2020.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ gần như bị đình trệ và sản lượng sản xuất giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020.

Như vậy, các nền kinh tế phát triển tiếp tục vượt trội so với các thị trường mới nổi. Nhưng nhìn chung, bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ toàn cầu đều ghi nhận sự mở rộng chậm chạp hơn.

Minh Đức (Theo IHS Markit)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.