“Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn

“Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 3, 02/02/2021 10:01

Thời tiết xuống 2 độ C khiến khu vực biên giới rét buốt thấu xương, nhưng cán bộ chiến sĩ biên phòng vẫn luôn túc trực 24/24 để hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

“Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn

Chốt dịch giữa rừng, túc trực 24/24

Vừa vượt hơn 300km từ TP.Vinh lên đồn Biên phòng Mỹ Lý, Bộ đội Biên phòng Nghệ An, thấy một tổ công tác chuẩn bị vào kiểm tra tại chốt trực Covid-19 ở bản Nhọt Lợt, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An thì tôi lập tức xin được đi theo.

Lúc này, Thiếu tá Hoàng Thế Tài - Chính trị viên đồn Biên phòng Mỹ Lý cười nói: “Nhà báo đi theo cũng được nhưng phải chuẩn bị tinh thần, mặc thêm quần áo cho ấm vì đi hết 2 tiếng, đến khi trở về chắc tối muộn lắm. Chốt trực Covid-19 ở bản Nhọt Lợt là gần nhất nhưng đường trơn trượt, vô cùng khó đi, nếu không cẩn thận có thể rơi xuống vực”.

Đúng như Chính trị viên đồn Biên phòng Mỹ Lý đã nói, con đường mòn men theo sườn núi hướng về biên giới vô cùng nhỏ, quanh co và nhất là do mưa mấy ngày nay nên vô cùng trơn trượt. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm. Chỉ cần một giây bất cẩn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Chính sách - “Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn (Hình 2).

Chốt trực phòng chống Covid-19 ở bản Nhọt Lợt thời điểm này thường xuyên bị sương mù.

Chỉ vào con đường toàn đá lởm chởm phía trước, đồng chí chiến sĩ chở tôi cho biết nếu như mấy ngày trước trời mưa thì chặng đường đi sẽ không dễ dàng như bây giờ. “Quãng đường vào chốt khoảng 15km nhưng có khi đi cả buổi mới tới. Hôm nay nắng nên nhiều đoạn dễ đi hơn rồi đấy. Mấy hôm trước anh em ngã liên tục, vào được chốt thì bùn đất khắp người”, chiến sĩ này nói.

Càng đi, từng cơn gió luồn qua khiến tôi cảm giác như buốt lạnh, thế nhưng đôi tay của người chiến sĩ vẫn nổi gân xanh bởi khi nào cũng luôn trong tư thế về số 1 khi lên dốc. Sau khi đi được nửa chặng đường, chúng tôi phải dừng lại để chiếc xe máy được nghỉ ngơi một lúc rồi mới có thể tiếp tục di chuyển.

Sau gần 2 tiếng, chốt trực Covid-19 số 1 ở bản Nhọt Lợt hiện ra giữa rừng xanh. Chiếc lán rộng hơn chục m2 được làm bán kiên cố bằng thép và mái tôn. Bên trong là những chiếc giường hai tầng, chăn chiếu gọn gàng cùng loạt bình ắc quy và máy tích điện. Cách đây gần 1 năm, chốt này chỉ là những chiếc bạt đơn sơ không đủ che mưa nắng. Nhưng hiện nay chốt đã được gia cố, dù chưa đầy đủ tiện nghi nhưng đã giúp các chiến sĩ bớt vất vả hơn.

Chính sách - “Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn (Hình 3).

Các hoạt động tuần tra, kiểm soát thường xuyên duy trì cả ngày lẫn đêm.

Thiếu tá Hoàng Thế Tài cho biết, trên địa bàn có 5 tổ chốt phòng chống dịch Covid-19, trong đó xa nhất là chốt mốc 390 ở độ cao hơn 1.800m so với mực nước biển, sát với biên giới Việt Nam – Lào. Từ điểm chính của đồn Mỹ Lý phải đi bộ khoảng 5 giờ đường rừng mới đến chốt ở mốc 390.

Mấy hôm trước nhiệt độ xuống chỉ còn 1-2 độ C, sương mù bao phủ, lạnh thấu da thấu thịt. Thế nhưng, các chiến sĩ vẫn bám trụ để thực hiện nhiệm vụ. Các hoạt động tuần tra, kiểm soát thường xuyên duy trì cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.

“Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ ở các điểm chốt duy trì nghiêm chế độ trực 24/24h để phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Lào bảo vệ đường biên giới, cột mốc. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch Covid-19, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho đồng bào vùng biên trong bảo vệ chủ quyền biên giới. Các kíp trực ở điểm chốt được thay ca sau 15 ngày thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu tá Tài cho hay.

Chính sách - “Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn (Hình 4).

Để cải thiện bữa ăn, các chiến sĩ trồng thêm rau tăng gia.

“Nhớ vợ, nhớ con chỉ có thể để trong lòng”

Sẩm tối, nhóm cán bộ ở chốt trở về sau chuyến tuần tra. Giữa không gian hoang vu, họ chia nhau làm những công việc quen thuộc. Người chăm sóc lại những luống rau tăng gia, người nấu cơm, nhặt rau, có người xách nước từ suối lên lán để nấu nước tắm.

Đại úy Nguyễn Hữu Nam - Đội trưởng chốt 1 Nhọt Lợt vui vẻ cho biết: “Đây là khu vực sương mù dày đặc, buổi sáng nước đóng băng trên cây. Buổi tối lạnh lắm nên mọi người tranh thủ ăn sớm. Từ khi lập chốt chống dịch, các chiến sỹ tự trồng rau, tăng gia tại chỗ”.

Sương mù bắt đầu bao phủ, cái lạnh miền biên cương thẩm thấu vào lớp áo dày, vì vậy mọi người rủ nhau nhóm lửa trước sân ngồi quây quần trò chuyện. Gắn bó với màu áo xanh hàng chục năm, chuyện xa nhà với các anh là không tránh khỏi. Nhưng đợt cao điểm chống dịch lần này kéo dài, nhiều lúc, họ không thể giấu nỗi nhớ gia đình.

Chính sách - “Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn (Hình 5).

Do thời tiết quá lạnh, các chiến sĩ phải đốt củi sưởi ấm.

Như Thiếu úy Nguyễn Nhật Tuấn quê tại thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An vừa có con mới 2 tháng tuổi. Mỗi lần nhớ con thì Thiếu úy Tuấn lại lôi chiếc điện thoại có hình của con ra để ngắm.

“Đơn vị có tạo điều kiện cho về thăm con, nhưng sau khi đi thì vẫn nhớ lắm. Công tác của mình vốn đã đặc thù phải xa nhà thường xuyên nên chấp nhận. Tất cả cũng muốn để chính gia đình, người thân của mình đón một cái Tết thật an toàn, ấm áp”, Thiếu úy Tuấn chia sẻ.

Nói về việc này, Trung tá Nguyễn Sỹ Đức – Đồn trưởng đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết, mỗi chiến sĩ ở đây đều có hoàn cảnh riêng nhưng vì công tác nên đành phải để nỗi nhớ trong lòng, cố gắng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngay như đồn trưởng đến thời điểm này 3 tháng vẫn chưa về thăm gia đình. Thế nhưng vì công tác cũng như để làm gương cho các chiến sĩ, anh vẫn không hề than vãn nửa lời, luôn chấp hành và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

“Nhiều lần gọi điện cho gia đình, thấy vợ trêu đùa chào chú đi con, rồi kể nhà vệ sinh bị hỏng mà vẫn chưa sửa được. Lúc đó, mình vừa thấy tủi lại vừa thấy thương. Cũng chẳng biết làm cách nào, đành hứa với vợ sẽ về trong thời gian sớm nhất”, Trung tá Đức nói.

Chính sách - “Bức tường thép” phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn (Hình 6).

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng các chiến sĩ vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồn Biên phòng Mỹ Lý được giao quản lý địa bàn hai xã Bắc Lý và Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn gồm 25 bản với tổng dân số hơn 10.000 người gồm 4 dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh. Trong đó, đường biên dài 48,468km (gồm 36,918 km trên sông và 11,550km trên đất liền) có 9 cột mốc (từ cột mốc số 389 đến cột mốc 397) giáp nước bạn Lào. Mùa hè thì nắng nóng khốc liệt, mùa đông thì rét buốt, sương mù dày đặc cả ngày lẫn đêm.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở chốt biên giới, các cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đó là đường biên giới dài, phức tạp khi có nhiều đường mòn, lối mở, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Dù vậy, vì bình yên của người dân, vì tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Trung tá Đức khẳng định.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.