Nghiên cứu mới được Lancet - một tạp chí y khoa có uy tín ở Anh - công bố cho thấy, sự bùng nổ xe hơi ở khu vực Đông Á và Nam Á khiến môi trường ô nhiễm là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng triệu người.
Giết chết hàng triệu người
Theo nghiên cứu của Tạp chí Lancet, tổng số ca tử vong vì mắc bệnh do ô nhiễm không khí năm 2010 khoảng 3,2 triệu người, tăng 2,4 triệu người so với năm 2000. Trong đó, 1,2 triệu nạn nhân sống tại Đông Á và Trung Quốc, 712.000 người sống ở Nam Á (bao gồm cả Ấn Độ).
Nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu” cũng khẳng định, bệnh do ô nhiễm không khí lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 căn bệnh nguy hiểm và giết người nhiều nhất thế giới.
David Pettit, giám đốc Chương trình Không khí Nam California cùng Hội đồng Bảo vệ Nguồn lực Thiên nhiên (NRDC) phát biểu: “Đó quả là một con số cao khủng khiếp. Các nghiên cứu trước đó, số liệu này còn thấp và chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị”.
Xe hơi gia tăng chóng mặt ở nhiều thành phố châu Á.
Anumita Roychowdhury - phụ trách bộ phận quản lý nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE), một trong các nhóm bảo vệ môi trường có trung tâm đặt tại New Delhi - cho biết: “Đây là bằng chứng sắt đá để thuyết phục mọi người cần hành động khẩn cấp để giảm nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em, người cao tuổi và người nghèo”. Bà Anumita Roychowdhury cũng khẳng định, những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe con người tại các thành phố ở châu Á đã không được nhìn nhận và xem xét trong nhiều năm: “Các chất độc này cũng giống như ung thư sẽ lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ sau thời gian dài ủ bệnh. Vì thế, cần phải hành động để giảm gánh nặng bệnh tật khổng lồ mà chúng ta sẽ phải đối mặt”.
Mặt trái của sự phát triển
Theo thông báo được công bố bởi một nhóm các trường đại học liên kết với Liên hợp quốc, năm 2010, 65% ca tử vong do ô nhiễm không khí sống tại châu Á. Ô nhiễm không khí cũng khiến tỉ lệ nạn nhân mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và suy giảm trí nhớ tăng lên đáng kể, là sát thủ nguy hiểm thứ hai trên thế giới sau bệnh cao huyết áp.
Tại Ấn Độ, nồng độ ô nhiễm không khí cao gấp nhiều lần giới hạn quy định 100 microgram/m3. Mức độ bụi thậm chí còn tăng lên mức 1.000 microgram/m3 sau các dịp lễ hội như lễ hội Diwali. Mặc dù những cải tiến về công nghệ xe hơi và nhiên liệu sạch được thực hiện từ năm 2000 tại Ấn Độ nhưng chẳng giải quyết được vấn đề bởi phương tiện giao thông đặc biệt là xe hơi tăng quá cao. Trong năm 2012, 18 triệu ô tô đã được bán ra.
Thống kê tại Delhi, cứ 1.000 người thì có 200 ô tô, trong khi con số này ở Hongkong (TQ) và Singapore lần lượt là 70 và 100 chiếc.
Rajendra Pachauri, người đứng đầu Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Năng lượng&Tài nguyên, cũng cho rằng: “Đã đến lúc phải có giải pháp kiểm soát ở Delhi, phải nắm được số lượng xe tăng lên, đồng thời có một điều tra toàn diện về ô nhiễm".
Theo Guardian/Giao thông vận tải