Mỗi khi những cầu thủ luống tuổi như Zlatan Ibrahimovic hay Cristiano Ronaldo ghi bàn, bạn thường hay nghe các BLV nhận xét rằng: “Tuổi tác với họ đôi khi chỉ là những con số”.
Trên thực tế, trong bóng đá, con số đó vô cùng quan trọng. Khái niệm về độ tuổi “đỉnh cao” của cầu thủ - tức là thời điểm họ phát huy hết khả năng của mình, không phải là khái niệm mới mẻ. Không khó để các CĐV của bộ môn thể thao vua nhận ra khi nào các cầu thủ còn non, khi nào họ bắt đầu “chín” và khi nào họ trở nên hết đát.
Tuy nhiên, để kết luận độ tuổi cụ thể đạt đỉnh cao phong độ của họ lại không hề đơn giản.
Sẽ có những câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để biết các cầu thủ chạm trần phong độ? Các cầu thủ có sự phát triển khác nhau hay không, bởi có người chơi hay từ rất sớm, nhưng có người chỉ thực sự hay khi bước qua tuổi 30? Các cầu thủ ở vị trí khác nhau có đạt đỉnh cao khác thời điểm hay không?
Nghe choáng váng phải không? Rất may, tác giả Tom Worville, người đang có những bài viết cuối cùng cho The Athletic trước khi chuyển sang công tác cho bộ phận phân tích ở CLB RB Leipzig, sẽ cho chúng ta câu trả lời.
- Độ tuổi đạt phong độ đỉnh cao của các cầu thủ ở giải Ngoại hạng
Để hiểu được độ tuổi cầu thủ ảnh hưởng thế nào đến hiệu suất chơi bóng của họ, chúng ta cần chọn ra một thước đo chuẩn xác.
Đây là nhiệm vụ khá đơn giản trong các môn thể thao khác - đặc biệt là bóng chày và bóng rổ, bởi những môn này có thể đưa ra những tác động của cầu thủ đối với khả năng giành chiến thắng của đội bóng anh ta; từ đó dễ dàng tạo ra những biểu đồ cho thấy tác động tuổi tác của họ lên thành tích, thông qua chỉ số về khả năng của cầu thủ qua các năm.
Trong bóng đá, điều đó không đơn giản như vậy. Các trận đấu đang ngày càng biến hóa hơn; rất nhiều trường hợp cách chơi của một số cầu thủ không hề giống như vị trí mà họ được sắp xếp trên lí thuyết. Joao Cancelo, một hậu vệ biên nhưng thường xuyên bó vào giữa để làm bóng dưới sự chỉ đạo của Pep Guardiola là một ví dụ điển hình.
Do sự thay đổi về vị trí như vậy, không có một thông số nào giải thích hiệu suất cho mọi vị trí và vai trò trên sân, nếu chỉ sử dụng một đơn vị. Số bàn thắng hoặc bàn thắng kì vọng sau 90 phút cũng là một thông số lí tưởng, nhưng nó lại hơi bất công với các trung vệ.
Tuy nhiên, các chỉ số khác nhau có thể sử dụng cho từng vị trí khác nhau, từ đó có thể thấy mọi thứ sẽ thay đổi thế nào khi một cầu thủ già đi. Ví dụ như đây là số lần rê bóng sau 90 phút của các tiền đạo cánh ở các độ tuổi khác nhau tại Premier League:
Rõ ràng, khi các tiền đạo cánh có tuổi và mất đi sự bùng nổ, xu hướng vượt qua các hậu vệ đối phương của họ sẽ giảm mạnh. Các cầu thủ trẻ, giàu năng lượng ở độ tuổi trên dưới 20 lấy việc rê bóng qua càng nhiều cầu thủ càng tốt như KPI mỗi ngày. Tuy vậy, vai trò của họ phải thay đổi rất nhiều khi bước sang tuổi 30, vì họ không còn xu hướng làm điều đó nữa. Hãy cứ nhìn Ronaldo ở độ tuổi đôi mươi trong màu áo Manchester United và Ronaldo ở thời điểm hiện tại như một ví dụ dễ hiểu.
Rõ ràng, khi các tiền đạo cánh có tuổi và mất đi sự bùng nổ, xu hướng vượt qua các hậu vệ đối phương của họ sẽ giảm mạnh. Các cầu thủ trẻ, giàu năng lượng ở độ tuổi trên dưới 20 lấy việc rê bóng qua càng nhiều cầu thủ càng tốt như KPI mỗi ngày. Tuy vậy, vai trò của họ phải thay đổi rất nhiều khi bước sang tuổi 30, vì họ không còn xu hướng làm điều đó nữa. Hãy cứ nhìn Ronaldo ở độ tuổi đôi mươi trong màu áo Manchester United và Ronaldo ở thời điểm hiện tại như một ví dụ dễ hiểu.
Nhưng rất tiếc là những chỉ số như ở trên lại không thể hiện được hiệu quả chung của cầu thủ đó. Nó chỉ cung cấp góc nhìn về một hành động họ thực hiện trên sân ở độ tuổi nhất định.
Mối đe dọa dự kiến (Expected threat) – hay các thông số tương tự, cho biết màn trình diễn của các cầu thủ góp phần làm tăng cơ hội ghi bàn của đội bóng như thế nào, cũng không thể sử dụng, bởi nó chỉ phát huy tác dụng khi các cầu thủ có bóng. Thông số này cũng bỏ qua hoàn toàn khía cạnh phòng ngự trong màn trình diễn của họ.
Có lẽ một chỉ số tổng hợp để xem xét giá trị thực sự của một cầu thủ trên sân sẽ không tồn tại, ít nhất là trong vài năm tới. Giải pháp cuối cùng được đưa ra lại tỏ ra rất đơn giản: Sử dụng số phút chơi bóng của cầu thủ.
Có một vài lí do để chúng ta trở về với thông số cơ bản như vậy. Trước hết, sự lão hóa khiến khả năng cầu thủ không chỉ giảm sút; nó còn khiến cơ thể trở nên kém bền bỉ hơn. Nghe có vẻ sáo ngữ (nếu liên tưởng tới những trường hợp trẻ mãi không già như Ronaldo chẳng hạn), nhưng rõ ràng phong độ của anh hiện tại không thể bằng thời điểm khi anh trẻ hơn.
Thứ hai, các HLV chọn đội hình ra sân dựa trên nhiều lí do khác nhau: phong độ, chấn thương, treo giò, chiến thuật… Nhưng thường thì họ sẽ đưa những cầu thủ giỏi nhất của mình vào sân để giành chiến thắng trong mọi trận đấu. Do đó, sự hiện diện của một cầu thủ trên sân cũng là một cách chứng minh họ giỏi thế nào.
Cuối cùng, thông số này cũng là thứ khá dễ lấy trong bóng đá; trong bài viết này là giải Premier League. Bởi để tính toán bất cứ điều gì liên quan đến độ tuổi đỉnh cao, chúng ta sẽ cần nhiều dữ liệu.
Số phút thi đấu cũng như vào sân từ ghế dự bị lấy từ các trận đấu Premier League trong một thập kỉ qua. Tuổi của các cầu thủ được lấy vào ngày 1/8 hàng năm, thời điểm mùa giải bắt đầu. Các cầu thủ cũng được chia thành một trong bảy nhóm vị trí khác nhau, tùy thuộc vào vị trí mà họ thể hiện trong trận đấu.
Hình dưới đây dành cho các lứa tuổi từ 18 đến 38 tuổi, được chia nhỏ theo vị trí. Màu sắc trên mỗi thang đo biểu thị tổng số phút thi đấu của mỗi độ tuổi trong 10 mùa giải Premier League đã qua.
Độ tuổi được tô màu càng đậm thì số phút thi đấu của độ tuổi đó ở vị trí của họ càng cao.
Có thể thấy thủ môn là vị trí đạt đỉnh cao phong độ muộn nhất, ở độ tuổi trên dưới 30. Đó là vị trí ít khi được trao cho những cầu thủ trẻ. Kinh nghiệm sẽ là thứ được ưu tiên hơn.
Các trung vệ cũng chơi tốt nhất ở thời điểm không quá sớm, khoảng tầm 27 tuổi, với nhiều cầu thủ thi đấu ở độ tuổi cuối 20 và đầu 30. Cũng giống như thủ môn, vị trí này không yêu cầu quá nhiều về việc phải sở hữu tốc độ quá tốt, hay phải bao quát nhiều khu vực trên sân. Bù lại, khả năng đọc trận đấu của họ sẽ cải thiện theo thời gian, để bù đắp cho tốc độ đã bị mất đi trong những năm tháng cuối của sự nghiệp.
Mặt khác, các hậu vệ cánh chạm trần phong độ rất sớm, với đa số đến ở độ tuổi 25. Bóng đá hiện đại đòi hỏi quá nhiều điều từ các hậu vệ cánh; điều này tác động rất lớn đến độ tuổi của họ. Các hậu vệ biên giờ phải lên công về thủ nhiều hơn, phải có kĩ thuật cũng như hiểu biết chiến thuật cao. Do đó, vị trí của họ cần sở hữu cơ thể chuẩn chỉnh nhất trên sân; đó là lí do vì sao các hậu vệ cánh ở độ tuổi gần 30 ít được thi đấu hơn.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở vị trí tiền vệ trung tâm, vị trí phải bao quát nhiều khoảng trống trên sân. Đổ tuổi phổ biến nhất của một cầu thủ ở vị trí này là khoảng 25, với một lượng lớn cầu thủ thi đấu trong độ tuổi từ 24 đến 30.
Như đã minh họa ở trên, các tiền đạo cánh đạt đỉnh sớm, vào khoảng 26 tuổi. Khá hợp lí khi họ thi đấu nhiều ở độ tuổi trên dưới 20, để rồi rơi rụng sau đó, hoặc phải thay đổi vị trí để thích nghi.
Cuối cùng, các tiền đạo dường như có sự lão hóa rõ ràng nhất trong tất cả các vị trí. Họ nổi lên ở đầu độ tuổi 20 và đạt đỉnh vào khoảng 27 tuổi; chỉ có một số ngoại lệ mới có thể duy trì bản thân trong trận đấu ở độ tuổi ngoài 30.
Chúng ta có thể tạo ra một dải “tuổi đỉnh cao” cho mỗi nhóm vị trí. Đối với thủ môn, bất kỳ cầu thủ nào trong độ tuổi từ 27 đến 29 sẽ được coi là ở thời kỳ đỉnh cao của họ. Còn đối với hậu vệ cánh và tiền vệ trung tâm, họ sẽ đạt đỉnh trong khoảng từ 24 đến 26 tuổi.
2. Nếu áp dụng cách tính này cho ĐT Việt Nam thì sẽ như thế nào?
Nếu sử dụng thông số để áp dụng cho danh sách triệu tập của ĐT Việt Nam để chuẩn bị cho trận gặp Saudi Arabia, chúng ta có thể thấy các vị trí hậu vệ cánh, tiền vệ trung tâm và tiền đạo cánh đều đang ở trong độ tuổi đỉnh cao, thậm chí chỉ mới chớm đỉnh cao.
Vị trí thủ môn đã bước qua giai đoạn đỉnh cao phong độ, nhưng chủ yếu là bởi trường hợp của thủ thành Bùi Tấn Trường, người đã ở tuổi 35.
Vị trí trung vệ thậm chí còn chưa bước sang độ chín về phong độ. Người lớn tuổi nhất trong số này (Quế Ngọc Hải) cũng chỉ mới 28 tuổi; nghĩa là còn chưa đến giai đoạn đi xuống về mặt phong độ.
Trên hàng công, Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh đều mới chỉ bước sang tuổi 24. Cả hai sẽ trải qua ít nhất hai năm nữa để bắt đầu đi vào giai đoạn đỉnh cao phong độ.
Tuy nhiên chúng ta cần cân nhắc một khía cạnh: Thể chất của người châu Á cũng kém hơn so với các cầu thủ đến từ châu Mỹ, châu Âu hay châu Phi. Thế nên độ tuổi đỉnh cao cũng như tuổi thọ nghề nghiệp sẽ đến sớm từ 1-2 năm. Cỡ như cầu thủ xuất sắc trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Lê Công Vinh giải nghệ khi mới chỉ bước sang tuổi 31.
Nếu xét đến yếu tố này, đồng nghĩa với việc các cầu thủ của ĐTVN đang ở độ chín của sự nghiệp, với đa số các cầu thủ sinh năm 1995, 1996 và 1997. Có thể thấy đây là giai đoạn mạnh nhất của lứa cầu thủ trên tuyển hiện tại; nghĩa là thành tích cao trong thời gian sắp tới là điều chúng ta có thể hy vọng. Nhưng điều này cũng mang đến một nỗi âu lo: Đội hình hiện tại sẽ chỉ chơi bóng đỉnh cao cùng lắm là 2-3 năm nữa.
Sự xuất hiện của lứa kế cận mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, sự xuất hiện rất hiếm hoi của các cầu thủ U23 trên tuyển (chỉ có ba trường hợp của Nguyễn Hoàng Đức, Bùi Hoàng Việt Anh và Lê Văn Xuân) đang cho thấy chúng ta chưa có lớp kế cận xứng đáng cho lứa cầu thủ hiện tại.
Sau khi trải qua 10 năm trắng tay, bóng đá Việt Nam chỉ thực sự nở mày nở mặt trở lại nhờ thế hệ Vàng hiện tại. Nhưng 2-3 năm nữa, khi họ bắt đầu xuống phong độ; thậm chí ông Park Hang-seo có thể sẽ ra đi, nỗi ám ảnh về một khoảng trắng thế hệ sẽ lại hiện về.