Campuchia trục xuất các nghi phạm người Trung Quốc trong một đường dây lừa đảo vào năm 2017.
Từng là một nhà phân tích chứng khoán ở Trung Quốc, Lu Xiangri không bao giờ nghĩ rằng mình có thể là nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ thời hiện đại bởi các đường dây lừa đảo qua mạng ở Campuchia.
Tới Campuchia vào tháng 9/2020, người đàn ông 32 tuổi mong muốn xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng. Để bắt đầu, Lu giúp quản lý nhà hàng của một người bạn ở thủ đô Phnom Penh.
Người bạn là người cùng làng với Lu, đã mua được nhà và sống sung túc. Lu cũng muốn lập nghiệp như vậy ở Campuchia, để có tiền trang trải cuộc sống trong gia đình có 2 con nhỏ.
Nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021 khiến Lu bị mắc kẹt ở Campuchia mà không có việc làm và cũng không có tiền để về nhà.
Đến lúc đó, một khách quen từng hay đến nhà hàng nơi Lu quản lý, nói có một công việc trả lương tốt mà sau này nghĩ lại, Lu cảm thấy hối hận.
"Anh ta nói chỉ cần phân tích thị trường chứng khoán cho khách hàng và mức lương sẽ hơn 1.500 USD một tháng. Tôi nghĩ mình chỉ cần làm 2 tháng là có đủ tiền để quay về Trung Quốc", Lu nói với Al Jazeera.
Đến làm việc ngày đầu tiên, Lu nhận ra đây là đường dây lừa đảo. Chủ công ty đó nói anh đã bị bán cho họ với giá 12.000 USD và phải làm việc đến khi trả đủ tiền nợ.
Jake Sims, giám đốc tổ chức hoạt động Sứ mệnh Công lý Quốc tế (IJM), nói các trường hợp buôn người và nô lệ thời hiện đại đang ngày càng phổ biến ở Campuchia.
Các đường dây lừa đảo trực tuyến ở Campuchia hoạt động chuyên nghiệp với nhiều loại hình khác nhau.
"Có hàng ngàn người ở Campuchia đến từ nhiều quốc gia lân cận, bị buộc phải làm việc cho các đường dây lừa đảo trực tuyến", Jake nói.
Các đường dây lừa đảo như vậy xuất hiện ở casino, khách sạn, resort, khu phát triển dân cư và khu phức hợp văn phòng nhiều nơi ở Campuchia. Đặc điểm dễ nhận biết là các tòa nhà có các thanh chắn trên cửa sổ, ban công và hàng rào thép gai kiên cố xung quanh. Với an ninh chặt chẽ được thiết lập ở mọi lối vào, đây là nơi các tổ chức tội phạm hoạt động, theo Al Jazeera.
Theo giới chuyên gia, hoạt động lừa đảo trực tuyến ở Campuchia do những ông trùm Trung Quốc điều hành đánh cắp hàng chục tỷ USD mỗi năm. Những kẻ lừa đảo không chỉ nhắm đến người đồng hương mà còn cả người nước ngoài đến từ châu Âu, Mỹ hay Úc.
Hong, 24 tuổi, một nạn nhân bị lừa tham gia đường dây lừa đảo trực tuyến, nói mình từng làm việc cho một đường dây lừa đảo xổ số nhắm vào những nông dân ít học ở Trung Quốc.
Hong bỏ việc để chấp nhận lời mời đến Campuchia làm công việc kiểm soát chất lượng tại một nhà máy thực phẩm với thu nhập lên tới 3.000 USD một tháng. Tiền vé máy bay và chi phí cách ly Covid-19 tại khách sạn được đài thọ. Hong không ngờ rằng công việc mình phải làm là lừa đảo trên ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc QQ.
Hong có nhiệm vụ lôi kéo các nạn nhân đầu tư vào xổ số bằng cách tải 2 ứng dụng, một là ứng dụng xổ số chính gốc, một là ứng dụng giả do công ty lừa đảo tạo ra.
"Tôi nói với các nạn nhân rằng chương trình của chúng tôi sẽ xâm nhập vào hệ thống xổ số. Nếu họ đăng nhập vào cả hai ứng dụng, chúng tôi nói có thể đảm bảo họ giành chiến thắng bằng cách kiểm soát các lượt rút thăm từ hệ thống", Hong kể lại.
Điều Hong không được phép nói cho các nạn nhân là họ sẽ không bao giờ được rút tiền thưởng hay thậm chí là số tiền đã nạp vào. "Khi ai đó không muốn đầu tư thêm. Chúng tôi sẽ khóa tài khoản của họ lại để họ không thể rút tiền ra", Hong giải thích.
Hong cho biết, công ty lừa đảo trên có khoảng 200 người làm việc và tỷ lệ thành công khá cao. Hàng nghìn nạn nhân đã nạp vào ứng dụng từ 15.000 USD đến 30.000 USD chỉ trong vài tháng.
"Chỉ cần 10-20 người là có thể thu về khoảng 900.000 USD lợi nhuận", Hong nói với giọng trầm xuống, dường như xấu hổ vì khiến bản thân bị cuốn vào một đường dây lừa đảo.
Trong một trường hợp khác, Chen, 23 tuổi, bị bán qua ba nhóm lừa đảo khác nhau. Thanh niên này nhận một công việc mà anh nghĩ là quảng cáo trò chơi trực tuyến ở Campuchia. Anh thậm chí còn phải trả tiền vé máy bay và chi phí cách ly tại khách sạn khi đến Campuchia, rồi phát hiện ra mình đã bị bán cho một tổ chức lừa đảo.
Lu Xiangri từng bị bán cho một đường dây lừa đảo trực tuyến.
Nhiệm vụ của Chen là kiếm lợi nhuận cho tổ chức lừa đảo từ việc lừa tình những phụ nữ Trung Quốc giàu có sống ở nước ngoài.
"Chúng tôi tạo ra vỏ bọc là một người đẹp trai, công việc ổn định, thu nhập tốt và lối sống tích cực. Không giống như kiểu con nhà giàu mà chỉ cần một công việc tử tế. Chẳng hạn như tôi từng vào vai một người mất vợ. Câu chuyện tôi kể với họ càng buồn càng tốt", Chen nói.
"Tất cả đều phải viết kịch bản cho cuộc đời, bởi vì khi nói chuyện với nhiều người, rất khó để nhớ mạch chuyện và các chi tiết", Chen nói.
Tỷ lệ thành công của công ty lừa đảo này cũng khá cao. Một nhóm gồm 6 người từ thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã lừa được hơn 3 triệu USD và một phụ nữ ở Canada bị lừa tới 1,5 triệu USD, Chen nói.
Theo Chen, đây là chỉ bề nổi của tảng băng chìm. Với công nghệ hiện đại, các công ty lừa đảo đã đặt mục tiêu tiếp cận được 500 người mỗi ngày.
"Chúng tôi có phần mềm mà bạn chỉ cần nhập mã quốc gia, mã thành phố, và nó có thể liệt kê tất cả số điện thoại tại thành phố đó. Sau đấy, chúng tôi trực tiếp gửi tin nhắn chúc mừng đến họ", Chen chia sẻ, theo Al Jazeera.
Công ty của Chen còn có phần mềm cho phép đăng nhập đồng thời vào 20 đến 30 tài khoản WhatsApp và dịch ngay các tin nhắn từ tiếng Trung sang bất kỳ ngôn ngữ nào mà những tài khoản đó sử dụng.
Trả lời trên đài Al Jazeera, Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), một cựu hacker và hiện là chuyên gia về bảo mật ở Việt Nam, nói: "Họ làm việc rất chuyên nghiệp, không như một đường dây lừa đảo thông thường".
"Hãy tưởng tượng chỉ một công ty lừa đảo có thể kiếm tới một triệu USD mỗi ngày. Và có rất nhiều công ty như thế, không thể đếm hết", anh cho biết.
Gần đây, nhà chức trách Campuchia thông báo nước này đang tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát đối phó với tình trạng buôn người và những băng nhóm tội phạm lừa gạt người nước ngoài tới quốc gia này.
Bộ Nội vụ Campuchia thông báo đã mở chiến dịch rà soát người nước ngoài trên toàn quốc và đẩy mạnh hỗ trợ các nạn nhân của hoạt động buôn người.
Nhà chức trách đã lập đường dây nóng bằng tiếng Khmer, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh để các nạn nhân trình báo, đồng thời cam kết sẽ giúp đỡ, giải cứu các nạn nhân bất kể quốc tịch.
Đăng Nguyễn - Al Jazeera