Các ngân hàng bước vào "cuộc đua" tăng lãi suất huy động dịp cuối năm

Các ngân hàng bước vào "cuộc đua" tăng lãi suất huy động dịp cuối năm

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 5, 16/12/2021 09:00

Lãi suất huy động tiếp tục tăng đáng kể ở nhiều kỳ hạn huy động tại các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ.

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động

Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước hiện phổ biến trong khoảng 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

Riêng với các kỳ hạn huy động trên 12 tháng, lãi suất đạt mức cao nhất trong khoảng 5,5-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,8% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Tuy nhiên trong các ngày gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ có xu hướng tăng cao và kéo lãi suất cao nhất trên thị trường lên mức 7,15 - 8%/năm.

Cụ thể theo biểu lãi suất huy động VND vừa được ngân hàng SCB công bố áp dụng từ tháng 12/2021, một loạt kỳ hạn gửi tiền được áp dụng mức lãi suất xấp xỉ và trên ngưỡng 7%/năm.

Ở sản phẩm tiết kiệm online, SCB hiện đang áp dụng lãi suất tăng dần từ 7,05% lên 7,15%/năm cho 5 kỳ hạn huy động từ 13 tháng đến dài nhất là 36 tháng.

Trong khi đó, ngân hàng Việt Á (VietABank) hiện cũng đang áp dụng lãi suất huy động trên 7-7,1%/năm cho hàng loạt kỳ hạn huy động tiết kiệm online từ 15 tháng đến 36 tháng, cao hơn 0,1 - 0,2%/năm so với sản phẩm tiết kiệm thông thường. 

Tài chính - Ngân hàng - Các ngân hàng bước vào 'cuộc đua' tăng lãi suất huy động dịp cuối năm

Lãi suất huy động tiếp tục tăng đáng kể ở nhiều kỳ hạn huy động tại các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Ảnh minh họa từ internet 

Ngoài xu hướng tăng lãi suất huy động truyền thống, nhiều ngân hàng hiện cũng đang áp dụng việc tặng thêm lãi suất khi người dân gửi tiền tiết kiệm online, hoặc áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm online cao hơn đáng kể so với tiết kiệm thông thường.

Như tại ABBank, người gửi tiền được cộng thêm lãi suất 0,4% khi gửi tiết kiệm online. Hay tại ngân hàng SHB, biểu lãi suất huy động tiết kiệm online ở hàng loạt kỳ hạn cao hơn tới 0,9 - 1,05% so với sản phẩm tiết kiệm thông thường.

GPBank tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại GPBank là 6,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. VPBank điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tới 0,4-0,8 điểm%/năm nhưng vẫn giữ kỳ hạn 12 tháng thấp trong vùng lãi suất tương đương nhóm Big3. Eximbank cũng tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Dong A Bank, Kienlongbank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhiều kỳ hạn từ tháng 12…

Lãi suất tăng chỉ là tạm thời

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính - Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, nhận xét việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng gần đây là giải quyết nguồn vốn cho tín dụng cuối năm. Khi các nhà băng được tăng hạn mức tín dụng, họ sẽ cố gắng giải ngân hết trong năm nay để có thể qua năm sau xin được cấp tín dụng cao hơn. Van tín dụng được mở thì cung ứng vốn từ nhà điều hành sẽ phải đồng bộ tăng lên, nếu không tình trạng tăng lãi suất huy động tất yếu xảy ra.

“Có thể Ngân Hàng Nhà nước lo ngại lạm phát nên chưa đưa tiền ra nhiều, các ngân hàng tạm thời thiếu hụt vốn. Đặc biệt các hoạt động giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm hay diễn ra ồ ạt, trong khi một số ngân hàng lớn nhận tiền gửi ngân sách nhà nước nên áp lực thanh khoản gia tăng, đẩy lãi suất huy động rục rịch đi lên”, ông Chí giải thích.

Room tín dụng được mở để thúc đẩy kinh tế phục hồi sau nhiều tháng ảnh hưởng dịch Covid-19, chính vì vậy mà việc điều chỉnh lãi suất sẽ có tác động đến kinh tế. Ông Lê Đạt Chí nhận định việc tăng lãi suất huy động gần đây chỉ là tạm thời, qua năm 2022 sẽ ổn. Nhiều quan điểm cho rằng lạm phát tăng sẽ khiến lãi suất đi lên. Nhưng nhiều tháng qua, lạm phát xuất hiện ở các nước lớn trên thế giới. Đơn cử như Mỹ, lạm phát đã ở mức cao nhất trong gần 40 năm trở lại đây nhưng họ vẫn không tăng lãi suất. Nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng đến từ chuỗi cung ứng, làm cho chi phí hàng hóa tăng. Thế nên các nước bình tĩnh đối mặt với lạm phát mà chưa tăng lãi suất, ngược lại lãi suất thực âm ngày càng lớn.

“Nếu lãi vay của Việt Nam mà tăng là thua, tự đẩy doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn khi tiếp cận vốn giá cao. Dòng tín dụng ngân hàng hiện nay vẫn đang chảy vào hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh là chính. Sau khi mở cửa, cán cân thương mại đã thặng dư, việc xuất khẩu của doanh nghiệp khởi sắc, kinh tế đang trên đà phục hồi mà tăng lãi suất chẳng khác nào gây khó cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế”, ông Lê Đạt Chí nhận xét.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Viện trưởng Học viện Tài chính, lãi suất huy động tăng hiện nay chỉ là mùa vụ. Cuối năm nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân tăng nên các ngân hàng cố gắng huy động để cho vay. Yếu tố lạm phát đẩy lãi suất tăng vào thời điểm hiện nay là chưa có.

Theo phân tích của công ty chứng khoán VNDirect, có 3 yếu tố khiến mặt bằng lãi suất khó duy trì ở mức thấp như hiện tại. Trong đó bên cạnh nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán có thể là yếu tố khiến lãi suất được dự báo sẽ tăng trong năm tới.

Theo đó lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản (tương đương 0,3 - 0,5%) trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng vì vậy sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, dù vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh. 

Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Thanh Niên, Lao Động, Diễn đàn doanh nghiệp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.