Các nhà máy nhỏ ở thành phố Higashiosaka phía tây Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nổi lên như vũ bão do là nguồn sản xuất chính của các thương hiệu lớn nhất của đất nước – nhưng do đồng yên suy yếu và chi phí tăng đã gây ra nhiều khó khăn.
Là nơi sinh sống của khoảng 6.000 công ty, 87% trong số đó có ít hơn 20 nhân viên, thành phố này là biểu tượng cho thấy ngành sản xuất, chế tạo được phát triển rất nhiều tại đây.
Các xưởng sản xuất ở Higashiosaka tạo ra các thành phần kim loại cho mọi đồ vật, từ ghế xe lửa đến bút bi, và từ lâu đã phụ thuộc vào các đơn đặt hàng từ công ty lớn như Sharp, Panasonic và Sanyo.
Hiện Sanyo bị Panasonic mua lại. Công việc không còn nhiều trong những năm gần đây do sự cạnh tranh của Hàn Quốc và Trung Quốc; khi Foxconn của Đài Loan mua lại Sharp vào năm 2016, họ đã chuyển phần lớn hoạt động chế tạo của công ty ra khỏi Nhật Bản.
Hiện những vấn đề mà Higashiosaka phải đối mặt như: dân số già, thiếu lao động sản xuất và đồng tiền đang mất giá đã ảnh hưởng nhiều đến ngành chế tạo sản xuất ở thành phố này.
Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Aoki tại thành phố Higashiosaka, đang chuyển hướng sang ngành công nghiệp thực phẩm sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Một nhà sản xuất phụ tùng máy khoan cơ khí khác Katsui Kogyo, đã tăng giá lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu kinh doanh vào năm 1967. Công ty đèn chụp Seiko SCM thu hẹp sản xuất và đang tìm cách hồi sinh ngành sản xuất của Higashiosaka bằng cách chuyển đổi một phần trụ sở chính thành không gian làm việc chung.
Ông Hiroko Kusaba, Giám đốc điều hành của Seiko SCM cho biết: “Chúng tôi giống như một con ếch trong nồi nước sôi”. "Tất cả mọi người đều tin rằng các thương hiệu lớn sẽ luôn bảo vệ chúng tôi, nhưng bây giờ không còn như vậy nữa".
Sự kết nối giữa người với người
Trong 6 tháng qua, giá trị của đồng yên Nhật đã giảm mạnh so với đồng USD giảm khoảng 115 yên vào đầu tháng 3 và tiếp tục xuống hơn 130 yên vào tháng 8. Và nỗi đau của covid vẫn còn kéo dài: 67% các công ty nhỏ ở Higashiosaka cho biết họ vẫn đang bị tổn hại do đại dịch, theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4 bởi phòng thương mại địa phương.
Đối với những công ty này, vượt qua cơn bão kinh tế không chỉ là để tồn tại mà còn là bảo tồn hệ sinh thái công nghiệp.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99,7% số công ty và 68,8% việc làm tại Nhật Bản. Nhưng những công ty tương tự này chỉ đại diện cho 52,9% nền kinh tế, theo một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2016.
Khu vực xung quanh Higashiosaka có lịch sử là một trung tâm sản xuất có niên đại hàng trăm năm. Thành phố vẫn còn các khu công nghiệp, nơi các nhà máy nhỏ nằm chen chúc giữa các ngôi nhà, tiếng búa, tiếng cưa và tiếng tạo hình kim loại từ sáng sớm đến tối mịt.
Ông Hirotomi Kojima, giám đốc điều hành của Katsui Kogyo, công ty khoan cơ khí, cho biết ông đã tăng giá vào tháng 10 vừa qua. Do chi phí nguyên vật liệu đã tăng vọt, nhưng ông ấy do dự trong việc tăng giá một lần nữa, vì lo rằng ông có thể mất khách hàng lâu năm.
Khách hàng đã hỏi ông Kojima về những ưu đãi, chẳng hạn như rút ngắn chi phí hoặc "nương tay" trong việc tăng giá.
“Tôi càng ở gần khách hàng, càng khó bắt đầu cuộc trò chuyện về việc giá cả” ông Kojima nói.
Bị giằng xé giữa việc bảo vệ những mối quan hệ quen thuộc hay làm tổn hại đến công việc kinh doanh của mình, Kojima đang tìm kiếm khách hàng mới lần đầu tiên sau 10 năm làm CEO.
Ông thường đi tìm kiếm khách hàng với ông Hironobu Yabumoto, một người bạn thân quản lý một nhà sản xuất máy khoan cơ khí khác. Mặc dù đang cạnh tranh trực tiếp, nhưng họ vẫn chia sẻ khách hàng với nhau.
Ông Yabumoto nói: “Chúng tôi muốn ngành công nghiệp chế tạo và văn hóa này tồn tại,” và đó là ưu tiên lớn hơn là người chiến thắng cuối cùng.
Dần dần lụi tàn
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, cả bà Kusaba và ông Kojima đều chứng kiến ít nhất một nhà máy đóng cửa hàng năm một cách lặng lẽ do những người chủ lớn tuổi qua đời, ốm đau hoặc đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì không có người thừa kế.
Các công ty còn tồn tại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bà Kusaba, người không đến từ thành phố, cho biết: người dân địa phương - chẳng hạn như người làm bánh và người bán gạo – đang neo giữ cô ấy ở trong cộng đồng.
"Họ đến gặp tôi để nói rằng tình hình kinh doanh đi xuống như thế nào, trước đây họ có nhiều khách hàng như thế nào khi ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển mạnh...", bà Kusaba, người đã 12 năm làm Giám đốc điều hành Seiko SCM cho biết.
Đó là lý do tại sao bà ấy đang chuyển hướng kinh doanh của riêng mình để bảo vệ lợi nhuận và giúp đỡ các nhà sản xuất ở Higashiosaka.
Vào tháng 6, bà đã giảm bộ phận đúc khuôn của công ty mình xuống còn 3 người từ 6 người và giảm số lượng máy móc. Thay vào đó, bà ấy đang tạo ra một không gian văn phòng làm việc chung và mở một "nhà máy chia sẻ", nơi người dùng có thể trả tiền để sử dụng máy móc nhằm cắt giảm chi phí cố định và tăng sản lượng.
“Các thương hiệu lớn, các nhà sản xuất lớn - họ đã bỏ rơi chúng tôi,” bà Kusaba nói. "Bây giờ, chúng tôi cần giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng. Chúng tôi giờ không có ai ngoài bản thân mình.”
Quyết định của bà sẽ đồng nghĩa với việc đẩy mạnh công việc về khuôn đúc ép hơn cho các đối thủ cạnh tranh, nhưng bà Kusaba cho biết bà thà làm điều đó hơn là nhìn toàn bộ ngành công nghiệp rơi vào cảnh điêu tàn.
"Cạnh tranh không phải là cách để tồn tại. Thay vào đó, chúng ta phải hợp lực," bà nói.
Aoki, nhà máy được dán nhãn "không thiết yếu" trong đại dịch, đang cố gắng “bơi” ở một ngành hàng không bị đắm bởi COVID-19. Giám đốc điều hành ông Osamu Aoki đã đặt hy vọng của mình vào một lĩnh vực khác: sản xuất thực phẩm.
Ông ấy đang thiết kế và chế tạo một chiếc máy chế biến thịt. Hiện tại, máy đó đang nằm trong nhà máy Aoki khi các công nhân tinh chỉnh thiết bị.
Ngành sản xuất của Nhật Bản từ trước đến nay phụ thuộc vào việc bán các sản phẩm có giá trị gia tăng, trong đó đồng yên yếu giúp tăng lợi nhuận. Nhưng điều đó dường như không còn đúng nữa, ông Aoki nói.
Ngành sản xuất truyền thống
Những thay đổi và thử nghiệm ở Higashiosaka không đảm bảo sự tồn tại của nó, hay văn hóa kinh doanh nhỏ của Nhật Bản.
Ông Naohito Umezaki thuộc Phòng Thương mại Higashiosaka cho biết: “Chúng tôi sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn nếu các nhà máy có thể gồng gánh được các chi phí tăng thêm… nhưng việc giá cao càng kéo dài, điều đó càng trở nên khó khăn hơn”.
Ông nói thêm rằng cơ cấu xã hội của thành phố đã trở nên căng thẳng khi các công ty gia đình ngừng hoạt động để cải thiện; ưu tiên hàng đầu là tìm người tiếp quản và bảo tồn truyền thống sản xuất.
Anh Yuto Miyoshi, 22 tuổi, tìm kiếm lời khuyên từ Giám đốc điều hành về việc có nên nối nghiệp cha mình trong việc điều hành công việc kinh doanh hàn đúc của gia đình ở một thành phố lân cận hay không.
“Cha tôi thường cảnh báo tôi về những khó khăn khi điều hành một doanh nghiệp,” anh Miyoshi nói với ông Aoki.
Nhưng anh ấy nói thêm rằng trong một lần hiếm hoi cha anh đã uống quá nhiều và đã buột miệng nói về kế hoạch kế nhiệm sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ông ấy.
"Ông ấy nói: Cha sẽ rất hạnh phúc nếu con tiếp quản", anh Miyoshi kể lại.
Vi Sa (theo Reuters)