Trong bối cảnh các nước phương Tây lo lắng tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế khi trường hợp xấu nhất xảy ra, Qatar sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Các nước Xuất khẩu Khí đốt (GECF) vào ngày 22/2, hãng tin AFP dẫn lời ban tổ chức cho biết.
Hội nghị, được tổ chức 2 lần mỗi năm, quy tụ các nhà xuất khẩu khí đốt lớn trên thế giới, như Nga, Iran, Qatar, Ai Cập, Nigeria, Venezuela… nhưng không bao gồm Mỹ và Úc.
Theo AFP, ban tổ chức hôm 8/2 đã không xác nhận ngay lập tức liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự hội nghị sắp tới hay không.
Nga, Iran và Qatar - các thành viên quan trọng của diễn đàn - cũng sẽ tổ chức các cuộc họp cấp bộ trưởng trong 2 ngày.
Trong khi đó, Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng minh thân cận Qatar trong việc đảm bảo nguồn cung khẩn cấp nếu đường ống dẫn khí đến Tây Âu bị chặn, AFP dẫn nguồn các quan chức Mỹ cho biết.
Số phận “hẩm hiu” của Nord Stream 2
Trong cuộc gặp hôm 7/2 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga sang châu Âu nếu Moscow tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào Ukraine.
Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 giữa Nga và Đức đã được hoàn thành vào tháng 9/2021, nhưng nó vẫn chưa được đưa vào hoạt động trên thực tế.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga trong trường hợp xảy ra khủng hoảng năng lượng.
Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson gần đây đã đến thăm Azerbaijan, một thành viên quan sát của diễn đàn khí đốt, trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng của lục địa này.
Đầu tháng này, Saad Sherida Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, nói với EU rằng đất nước của ông không thể giải cứu châu Âu một mình nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, nhưng sẵn sàng giúp đỡ "lúc cần thiết".
“An ninh năng lượng của Châu Âu đòi hỏi nỗ lực tập thể từ nhiều bên”, vị Bộ trưởng này nhấn mạnh.
GECF cho biết, 11 thành viên và 7 quốc gia liên kết chiếm 70% trữ lượng khí đốt đã được chứng minh và 51% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu toàn cầu.
Minh Đức (Theo TRT World, CNBC, Reuters)