Cách Covid-19 làm thay đổi ngành công nghiệp vắc-xin thế giới

Cách Covid-19 làm thay đổi ngành công nghiệp vắc-xin thế giới

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 27/04/2022 07:45

Đại dịch nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy sản xuất và đổi mới vắc-xin, đồng thời mở ra hy vọng về vắc-xin cho các loại bệnh truyền nhiễm khác.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa thế giới và vắc-xin, chẳng hạn như việc thúc đẩy sản xuất và đổi mới vắc-xin “chưa từng có tiền lệ” ngay cả ở những quốc gia nghèo, tụt hậu trong quá khứ.

Nhân dịp Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2022 (24-30/4), Hãng Thông tấn Pháp AFP có bài viết đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp vắc-xin .

Cứu hàng triệu mạng sống

Các loại vắc-xin ngừa hơn 20 loại bệnh nguy hiểm cứu sống 2-3 triệu người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Vắc-xin từng được thiết kế chỉ nhắm vào các nhóm cụ thể, chẳng hạn như trẻ em, người già hoặc người dễ bị tổn thương, cho đến khi Covid-19 xuất hiện.

Cũng như trước khi đại dịch bùng phát, thế giới chỉ sản xuất khoảng 5 tỷ liều vắc-xin mỗi năm. Và rồi mọi thứ đã thay đổi: 11 tỷ liều vắc-xin Covid-19 đã được sản xuất chỉ riêng trong năm 2021.

Mặc dù chỉ vỏn vẹn trong vòng chưa đầy một năm, vắc-xin ngừa Covid-19 đã được nghiên cứu và sản xuất, nhưng thế giới vẫn chưa thể phát triển loại vắc-xin nào đối với các bệnh truyền nhiễm khác như HIV đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và giết chết hàng triệu người.

Những cách biệt lớn lao về tỉ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và các nước nghèo là minh chứng rõ nét cho sự bất bình đẳng về vấn đề tiêm chủng đối với các loại vắc-xin khác, không phải vắc-xin ngừa Covid-19.

Theo Viện INSERM (Pháp), tuy vắc-xin sởi đã được nghiên cứu và hoạt động hiệu quả trong hơn nửa thế kỷ qua, nhưng năm 2018 thế giới vẫn ghi nhận 140.000 ca tử vong do sởi, chủ yếu là ở trẻ em tại các nước đang phát triển.

Thế giới - Cách Covid-19 làm thay đổi ngành công nghiệp vắc-xin thế giới

Người dân ngồi theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 1/2021. Ảnh: KYODO

Nhiều công nghệ sản xuất khác nhau

Kể từ khi loại vắc-xin đầu tiên dành cho bệnh đậu mùa được bác sĩ người Anh Edward Jenner phát triển vào năm 1796, nhiều loại vắc-xin khác nhau đã tiếp nối nhau ra đời.

Vắc-xin bất hoạt, sử dụng cho bệnh bại liệt và cúm, có khả năng tiêu diệt hoặc bất hoạt mầm bệnh nhưng vẫn giữ cho cơ thể khả năng tự tạo kháng thể chống lại các bệnh nhiễm trùng sau này.

Vắc-xin giảm độc lực, được sử dụng cho bệnh sởi, quai bị, rubella và thủy đậu, chứa một phiên bản yếu hơn của vi-rút, nhằm tăng cường kháng thể.

Công nghệ mới đây được sử dụng là vắc-xin vectơ vi-rút, dùng để phát triển vắc-xin Ebola, và vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson. Vắc-xin này hoạt động dựa trên cơ chế sử dụng phiên bản sửa đổi của một loại vi-rút vô hại khác, truyền các chỉ dẫn di truyền đến các tế bào cơ thể và “dạy” chúng tạo ra kháng thể.

Công nghệ vắc-xin mới nhất là mRNA, được sử dụng trong loại vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna. Chúng cung cấp các chỉ dẫn để tạo protein đột biến của vi rút Corona nhằm sản sinh ra các kháng thể.

Công nghệ mRNA – Yếu tố thay đổi cuộc chơi

Thông thường, do chi phí bỏ ra là rất lớn nên chỉ có một số công ty dược phẩm lớn mới có khả năng phát triển các loại vắc-xin mới.

Ông Loic Plantevin, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại công ty tư vấn Bain and Company, cho biết: “Đây là sự may mắn hiếm hoi trong thời điểm đại dịch diễn ra. RNA thông tin đang tạo ra kỷ nguyên mới trong công nghệ chế tạo vắc-xin”.

Thế giới - Cách Covid-19 làm thay đổi ngành công nghiệp vắc-xin thế giới (Hình 2).

Ông Loic Plantevin, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại công ty tư vấn Bain & Company, có trụ sở chính tại Boston, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: Bain & Company

Trước đại dịch, 4 tập đoàn kiểm soát 90% thị trường vắc-xin toàn cầu bao gồm: Pfizer và Merck ở Mỹ, GSK ở Anh và Sanofi ở Pháp. Tuy nhiên, chỉ có Pfizer – nhờ quan hệ hợp tác với công ty BioNTech của Đức – đã nhanh chóng đưa được vắc-xin Covid-19 ra thị trường.

Song, sự xuất hiện của Covid đã khiến một loạt các công ty mới nhập cuộc, bao gồm các nhà sản xuất vắc-xin mRNA hàng đầu như BioNTech và Moderna. Nó cũng thúc đẩy sản xuất vắc-xin ở các quốc gia thiếu thốn vắc-xin trong giai đoạn đầu của đại dịch.

WHO có kế hoạch thành lập các trung tâm sản xuất vắc-xin mRNA tại 6 quốc gia châu Phi vào đầu năm 2024.

Các dự án như vậy đã thành hiện thực nhờ sự tiện lợi của vắc-xin mRNA, có thể được cập nhật và phát triển nhanh chóng hơn trong khi “các công nghệ truyền thống vẫn phức tạp để triển khai và di chuyển”, ông Plantevin cho biết.

Với nhiều thập kỷ nghiên cứu mở đường cho công nghệ mRNA, bác sĩ Drew Weissman của Đại học Pennsylvania cho biết, nhóm của ông cũng đang làm việc để thiết lập các điểm sản xuất vắc-xin Covid ở Thái Lan và một số quốc gia châu Phi.

“Ý tưởng bao quát của tôi là, với các điểm sản xuất và kiểm soát vắc-xin sẵn có tại địa phương, khi vắc-xin Covid-19 không còn cần thiết nữa, các địa điểm này vẫn sẽ có thể tạo ra các loại vắc-xin khác đáp ứng nhu cầu địa phương”, ông chia sẻ với AFP.

“Như vậy, Thái Lan sẽ có thể tự tạo ra vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, châu Phi sẽ tự sản xuất vắc-xin ngừa sốt rét. Đó là những loại vắc-xin mà các công ty dược phẩm lớn không chú trọng nhiều”.

Vắc-xin cho bệnh sốt rét, HIV

Việc triển khai nhanh chóng công nghệ mRNA linh hoạt cũng đã làm tăng lên hy vọng về việc nghiên cứu vắc-xin mới cho các bệnh truyền nhiễm khác. Công ty Moderna đã nhắm mục tiêu vào các bệnh sốt xuất huyết, Ebola và sốt rét.

Ngoài ra còn có rất nhiều dự án nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu, không chỉ bảo vệ chống lại Covid và các biến thể, mà còn chống lại các loại vi-rút Corona khác có thể lây lan từ động vật trong tương lai.

Và vẫn còn hy vọng dành cho vắc-xin ngừa HIV đã được mong đợi từ lâu.

Ông Plantevin cho rằng “đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ và nhắc nhở (chúng ta) về sự cần thiết của việc tiếp tục đổi mới vắc-xin”.

Thế giới - Cách Covid-19 làm thay đổi ngành công nghiệp vắc-xin thế giới (Hình 3).

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Phó Tổng thống David Mabuza cùng Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize thăm cơ sở sản xuất vắc-xin Aspen Pharmacare. Ảnh: Getty Images

Hoàng Ngân (Theo The Sun Daily)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.