Cách Trung Quốc giữ nợ công ở mức thấp hơn Mỹ, Nhật

Cách Trung Quốc giữ nợ công ở mức thấp hơn Mỹ, Nhật

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 5, 11/11/2021 08:49

Nợ công cộng dồn của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới tính đến tháng 11/2021 đã vượt ngưỡng 50 nghìn tỷ USD. Trong đó, “núi nợ” của Trung Quốc thấp nhất.

Nợ công tiếp tục là một phần của cuộc tranh luận kinh tế toàn cầu, với nhiều quốc gia đang nhìn thấy “núi nợ” chạm mức khủng hoảng. Điều đáng nói là một số trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận số liệu nợ công tăng vọt.

Theo dữ liệu mà Finbold thu được, nợ công cộng dồn của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt 52,35 nghìn tỷ USD tính đến tháng 11/2021, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nợ công cộng dồn của 3 quốc gia này tính đến tháng 11/2020 là 46,87 nghìn tỷ USD.

Như vậy, nợ công cộng dồn đã tăng thêm 5,48 nghìn tỷ USD trong 12 tháng qua.

Mỹ chiếm tỉ trọng nợ cao nhất vào năm 2021 với 28,95 nghìn tỷ USD, tăng 6,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ của Nhật Bản đã tăng 23,39% lên 15,14 nghìn tỷ USD.

Trong số 3 quốc gia được khảo sát, Trung Quốc có khoản nợ công ít nhất với 8,26 nghìn tỷ USD, tăng từ mức 7,38 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu được cung cấp bởi công cụ theo dõi nợ công trực tuyến usdebtclock.org.

Tiêu điểm thế giới - Cách Trung Quốc giữ nợ công ở mức thấp hơn Mỹ, Nhật

Nợ công của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ 8/11/2020 đến 9/11/2021. Nguồn: Finbold.com

Nguyên nhân nợ công tăng

Các quốc gia được khảo sát đã ghi nhận sự gia tăng về nợ công khi họ cố gắng phục hồi nền kinh tế sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Nhìn chung, đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên diện rộng với các doanh nghiệp đóng cửa, dẫn đến giảm nguồn thu từ thuế trong khi tăng chi tiêu theo cơ chế tự ổn định cho bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, các quốc gia phải đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng trong bối cảnh cân nhắc xây dựng luật pháp để chống đỡ nền kinh tế thông qua các gói kích thích kinh tế.

Đối với Mỹ, đại dịch đã góp phần làm tăng nhanh nợ công của nước này vốn đang trong đà tăng trong những năm gần đây, chủ yếu là do các chương trình chi tiêu bắt buộc cho mục đích an sinh xã hội và hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, các khoản thu từ thuế tương ứng vẫn gần như trì trệ.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các nền kinh tế đã trải qua một làn sóng tích lũy nợ chưa từng có bắt đầu từ năm 2010. Nhìn chung, sự gia tăng nhanh chóng của nợ là một nguyên nhân đáng lo ngại vì những rủi ro đi kèm.

Nói chung, đối với 3 quốc gia được khảo sát, việc vay nợ ồ ạt do đại dịch đã “kích hoạt” lại cuộc tranh luận về mối đe dọa do nợ công.

Có những lo ngại rằng nợ công gia tăng có thể đẩy đất nước vào “bẫy nợ” – thứ có thể kìm hãm tăng trưởng, có khả năng dẫn đến nợ nhiều hơn.

Điều đáng nói là các quốc gia có thể sử dụng đến việc in nhiều tiền hơn, nhưng tác động của động thái này sẽ bao gồm mức lạm phát cao.

Trong bối cảnh nợ công gia tăng, các quốc gia đã bắt đầu các chính sách để cứu vãn tình hình.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã loại bỏ mức trần tự áp đặt đối với việc mua trái phiếu JGBs do Chính phủ Nhật Bản phát hành như một phần của các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch.

Do đó, với sự tài trợ của ngân hàng trung ương thông qua lãi suất cực thấp, chương trình của Chính phủ trở nên bền vững hơn. Các điều kiện lãi suất thấp cũng phù hợp với các chính sách tiền tệ của BoJ.

Cách Trung Quốc giữ nợ công ở mức thấp hơn

Nhìn vào số liệu có thể thấy nợ công của Trung Quốc vẫn ở mức thấp so với 2 nước còn lại, chủ yếu là nhờ các chính sách do nhà nước khởi xướng.

Các khoản nợ thường được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức trong nước là các ngân hàng quốc doanh.

Đáng chú ý, hoạt động đầu tư và cho vay của các ngân hàng hỗ trợ các chính sách của Chính phủ Trung Quốc như phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các công ty đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo hiểm.

Từ trước đến nay, quốc gia này luôn tập trung vào việc giữ mức nợ thấp. Tuy nhiên, mức nợ đã tăng đáng kể vào năm 2020 do chính sách tài khóa linh hoạt nhằm giúp hồi sinh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Kể từ khi bắt đầu kiểm soát được làn sóng dịch đầu tiên, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào việc giảm mức nợ.

Để quản lý nợ, cần có một cách tiếp cận toàn diện nhằm giảm nợ, tái cơ cấu nhanh hơn và cải thiện tính minh bạch. Mức nợ bền vững là rất quan trọng để phục hồi kinh tế.

Minh Đức (Theo Finbold)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.